Tin tức

Nhiều hoạt động đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc tại chương trình "Sắc Xuân miệt vườn"

Nghi thức cắt băng khai mạc. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
Ngày 10/1, tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ khai mạc Chương trình “Sắc Xuân miệt vườn” năm Canh Tý 2020.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đây là hoạt động văn hóa điểm nhấn của thành phố mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Chương trình nhằm giới thiệu đến khách tham quan các loại hình di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer như: nghệ thuật trình diễn thư pháp Việt, nghề thủ công truyền thống, trò chơi dân gian...

Năm nay, lần đầu tiên loại hình nghệ thuật dân gian trình diễn “Múa rối cạn” được giới thiệu đến công chúng. Đây là loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, với nhiều hình thức biểu diễn: rối tay, rối dây, rối que, rối búp bê… đưa người xem hòa mình vào các câu truyện cổ tích Việt Nam.

Ngoài ra, các loại hình nghệ thuật truyền thống được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa đại diện của nhân loại như: Quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử… cùng các loại hình được đưa vào danh sách Di sản Văn hóa quốc gia: Hò Cần Thơ của người Việt, kịch múa Rôbăm của người Khmer, ca múa nhạc của người Hoa… cũng được trình diễn tại chương trình “Sắc Xuân miệt vườn” năm 2020.

Khách tham quan còn được xem và tham gia trình diễn trang phục truyền thống áo dài, áo bà ba, dạ hội cùng Câu lạc bộ Người mẫu Tây Đô; hoạt động trải nghiệm với nghệ nhân làm bánh dân gian, nặn tò he, làm đồ chơi từ lá dừa, trò chơi dân gian… qua các hoạt động “Giao lưu cùng nghệ nhân”, “Tập làm nghệ nhân”, “Tham gia trò chơi dân gian”, “Học múa cùng nghệ nhân”…

Trong khuôn khổ các hoạt động của sự kiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức không gian “Phố Ông Đồ”, với các gian hàng triển lãm tranh thư pháp, biểu diễn và tặng chữ thư pháp trên nhiều chất liệu phong phú: giấy, đá, nhựa, vải…

Chương trình “Sắc Xuân miệt vườn” phục vụ khách tham quan trong và ngoài thành phố đến ngày 14/1; “Phố Ông Đồ” sẽ kéo dài đến ngày 27/1 (mùng 3 Tết)./.

TTXVN/VNP

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương!

“Tôi đã khóc, không chỉ là nỗi tiếc thương trước sự mất mát của đất nước, của dân tộc Việt Nam, mà còn là những giọt nước mắt hạnh phúc trước tình cảm sâu đậm của người dân thôn Lại Đà dành cho chúng tôi. Họ đã thay mặt người con ưu tú vừa nằm xuống đáp lại tình cảm của những người dân về đây dự lễ viếng”, chị Lương Ngọc Hà, dân tộc Tày, ở tỉnh Lào Cai rưng rưng cho biết.

Top