Theo đó, Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa. Ngành này chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp với khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho đơn vị lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.
Năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.
Dây chuyền sản xuất ô tô Huydai Thành Công ở Ninh Bình. Ảnh: VNP
|
Theo đại diện Bộ Công Thương, để thực hiện mục tiêu này, các nhóm giải pháp được Nghị quyết đưa ra gồm:
Xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Ưu tiên là đảm bảo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, trọng tâm là các ngành vật liệu và phát triển thị trường sản xuất, lắp ráp.
Cần có khung lãi suất riêng với doanh nghiệp trong nhóm này. Nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất (tối đa 5% một năm) đối với các khoản vay trung và dài hạn. Tạo liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia; xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Bộ cũng chủ trương phát triển thị trường nội địa, đồng thời, tìm kiếm, mở rộng các thị trường ngoài nước trên cơ sở tận dụng các hiệp định FTA đã ký kết. Tháo gỡ các rào cản hiện có về chính sách để doanh nghiệp rộng đường phát triển. Mỗi vùng, địa phương cần có Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp để chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Về nguồn nhân lực, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động. Chương trình đào tạo mới theo hướng hiện đại, tinh gọn, chuyên nghiệp, áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt đối với các kỹ năng nghề quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ quá trình trao đổi, hợp tác. Quá trình này cũng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và xây dựng chính sách về công nghiệp hỗ trợ. Các bộ ngành, doanh nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về công nghiệp hỗ trợ, tạo ưu tiên phát triển nhằm thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
Đại diện Bộ Công Thương nhận định, Nghị quyết 115 là cơ sở, tiền đề cho các Bộ, ngành nghiên cứu đưa ra chính sách cụ thể. Đây sẽ là cú hích, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ,, mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam đón đầu các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu./.
Thực hiện: Công Đạt