Tin tức

Nghề nuôi yến trong tại Bình Phước nhà

Bình Phước với khí hậu ôn hòa quanh năm cùng với diện tích rừng cây tự nhiên, cây trồng lớn là điều kiện lý tưởng thu hút yến thiên nhiên sinh sống, do vậy nghề xây nhà nuôi chim yến và dẫn dụ yến về ở để thu tổ yến thương phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao đang phát triển ở địa phương này hơn chục năm nay.

Được biết, nghề nuôi yến lấy tổ hình thành từ năm 2004, nhưng phát triển mạnh trong giai đoạn hơn mười năm trở lại đây. Qua quá trình tích lũy kinh nghiệm nuôi yến, vốn, thị trường tiêu thụ, thì hiện nay thương hiệu yến ở Bình Phước đã có một vị trí vững mạnh trên thị trường trong nước, cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu yến nổi tiếng ở các địa phương khác kể cả yến ngoại nhập. vì thế, người dân làm nghề nuôi yến cũng thu được lợi nhuận kinh tế cao.

  Hiện tại ở Bình Phước có khoảng 1400 nhà dẫn dụ yến về.  
  Yến sống theo bầy đàn, một nhà yến có thể chứa được hàng ngàn con yến thiên nhiên về ở.  
  Một tổ yến trong nhà dẫn dụ yến.  
  Thu hoạch yến tại cơ sở Yến sào Tân Gia Nghĩa (huyện Bù Gia Mập, huyện Bình Phước).  
  Một tổ yến đạt tiêu chuẩn thu hoạch tại cơ sở Yến sào Tân Gia Nghĩa (huyện Bù Gia Mập, huyện Bình Phước).  
  Tổ yến thô tại cơ sở Yến sào Tân Gia Nghĩa (huyện Bù Gia Mập, huyện Bình Phước).  
  Trong các công đoạn xử lý tổ yến thì việc sơ chế, làm sạch lông yến phải rất tỉ mỉ, cẩn thận.  

Hiện tại, Bình Phước có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất yến quy mô, chất lượng cao, có thể kể đến như: Công ty TNHH Yến sào Nhật Tiên, Cơ sở Yến sào Viết Trung (TP. Đồng Xoài), Công ty Yến sào Nam Phú (huyện Chơn Thành), Cơ sở Yến sào Tân Gia Nghĩa, Yến sào Long Phương (huyện Bù Gia Mập)… Tính đến tháng 3-2023, trên địa bàn Bình Phước có khoảng 1.400 nhà dẫn dụ nuôi chim yến, diện tích sàn nuôi chim yến phổ biến từ 100-350m2; Sản lượng khai thác trung bình của mỗi nhà yến khoảng 4kg/tháng. Trên địa bàn cũng có nhiều doanh nghiệp vừa kết hợp giữa việc nuôi yến trong nhà, vừa thực hiện tư vấn, thiết kế, xây dựng và chuyển giao hướng dẫn quy trình nuôi yến đến người dân có nhu cầu phát triển mô hình này. Đơn cử là cơ sở Yến Tân Gia Nghĩa của anh Trần Tấn Nghĩa (xã Đa kia, huyện Bù Gia Mập) vừa sản xuất yến thành phẩm vừa nhận thiết kế, xây dựng nhà nuôi yến theo yêu cầu. Với hơn 10 năm trong nghề nuôi yến, anh Nghĩa cho biết hiện nay cơ sở anh đã phát triển được 5 nhà dẫn dụ yến, mỗi nhà có diện tích trung bình 1.000m2, với 3 đến 4 tầng lầu/nhà yến, với số lượng yến về ở vào khoảng vài chục nghìn con. “Loài yến sống theo đàn và thích không gian ở mát mẽ, tránh ánh sáng, thức ăn của chúng từ thiên nhiên như mối, côn trùng; trong các nhà nuôi yến do cơ sở chúng tôi sản xuất sẽ được hỗ trợ tư vấn kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu nghiệm ngặt nhất” – Anh Nghĩa cho biết.

Ngoài ra, để giới thiệu nghề nuôi yến đầy tiềm năng ở địa phương, anh Nghĩa còn tham gia thành lập tổ hợp tác nuôi yến và thiết kế nhà xưởng ở Đa Kia, hiện có khoảng 10 thành viên tham gia tổ hợp tác. Anh Nghĩa đã tận tình hướng dẫn và tư vấn kỹ thuật xây dựng cũng như cách nuôi yến dựa trên kinh nghiệm tích lũy lâu năm của mình, mong muốn bà con theo nghề yến có được hướng đi đúng đắn ngay từ ban đầu, mang lại những sản phẩm yến chất lượng cao, khẳng định thế mạnh thương hiệu yến ở địa phương./.

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Nguyễn Luân/ Báo ảnh Việt Nam và tư liệu


Top