Tin tức

Ngày Hội Bánh chưng xanh- Xuân Biên phòng ấm lòng biên giới


Các chiến sĩ và chị em phụ nữ cùng nhau hỗ trợ gói bánh. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN
Ngày 5/2, Đồn Biên phòng Hải Vân (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) phối hợp với Hội Phụ nữ quận Liên Chiểu tổ chức “Ngày Hội Bánh chưng xanh- Xuân Biên phòng ấm lòng biên giới”. Đây là dịp để thắt chặt tình quân dân, trao gửi tình cảm ấm áp, mang đến cái Tết Tân Sửu 2021 nghĩa tình cho những chiến sĩ ở biên giới và các gia đình khó khăn.

Ngày hội diễn ra trong không khí vui tươi, rộn rã chào đón Tết cổ truyền dân tộc đang đến gần. Các cán bộ, chiến sĩ và chị em quây quần bên nhau cùng chăm chút gói từng chiếc bánh chưng. Mọi người đều tuân thủ nguyên tắc phòng dịch COVID-19, trước khi gói phải rửa tay bằng nước sát khuẩn, mang khẩu trang, đeo gang tay… Với sự nhịp nhàng, phối hợp ăn ý, các chiến sĩ và  các chị đã nhanh chóng hoàn thiện nhiều chiếc bánh vuông vắn, đẹp mắt.

Thiếu tá Kiều Duy Tiến, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hải Vân cho hay, “Ngày hội Bánh chưng xanh –Xuân Biên phòng ấm lòng biên giới” là dịp để tình quân dân được thắt chặt, tăng thêm tinh thần đoàn kết. Thông qua đó, Ban Tổ chức giáo dục truyền thống lá lành đùm lá rách, chia sẻ tinh thần đón Tết cổ truyền ấm áp nghĩa tình, hướng tới một năm mới bình an, tốt đẹp.

Những chiếc bánh chưng sau khi được nấu chín sẽ được các đơn vị bộ đội và  Hội phụ nữ gửi tận tay đến những hộ gia đình khó khăn. Món qùa tuy nhỏ nhưng chứa đựng tình cảm gắn bó giữa quân và dân, qua đó mong muốn tất cả mọi người đều được đón một cái Tết vui tươi, ấm áp...

Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng Lê Thị Hằng thông tin: Dự kiến sẽ gói được hơn 300 chiếc bánh chưng và trao những chiếc bánh cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các chiến sĩ đang canh gác nơi biên giới./.

TTXVN/VNP

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Ngày 5/2 (tức mùng 8 Tết Ất Tỵ), tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) diễn ra Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2025. Đây là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của dân tộc Mường, đồng thời trở thành nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng không thể thiếu trong dịp Tết đến, Xuân về của người Mường ở Hòa Bình. Lễ hội thu hút hàng nghìn người dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến tham gia.

Top