Tin tức

Năm nhóm giải pháp đủ mạnh để phục hồi và phát triển kinh tế


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì buổi họp báo. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Chiều tối 2/12, thông tin tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, tại phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày, các thành viên Chính phủ nhận định, Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 được xây dựng, ban hành và triển khai rất kịp thời, đúng hướng, sát thực tế, hiệu quả và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp. Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện. Đến nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, tạo được lòng tin cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca bệnh mắc trong cộng đồng có xu hướng tăng ở nhiều địa phương. Thời gian tới, có thể tiếp tục ghi nhận các chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan. Ngoài ra, biến chủng mới Omicron có khả năng lây nhiễm và kháng kháng thể mạnh hơn.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP, bám sát thực tiễn, kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề chưa phù hợp, bảo đảm sự lãnh đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt. Tinh thần là không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng không hốt hoảng, lo sợ; cần phải nhanh chóng xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó; tổng hợp nhu cầu và tổ chức mua, dự phòng đủ vaccine, thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch tại các địa phương.

Cùng với đó, tập trung hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch đồng bộ với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

* Mở lại chuyến bay thương mại quốc tế cần có sự đồng thuận của các quốc gia

Liên quan đến việc mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc mở các đường bay là nhu cầu thực tế khách quan. Trong đại dịch COVID-19, không chỉ Việt Nam mà các nước khác cũng xem xét mở lại các chuyến bay quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, đi lại giao thương.

Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng kế hoạch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó dự kiến ngoài mở lại các chuyến bay sang Nhật Bản, Hàn Quốc, còn 10 quốc gia khác. Kế hoạch phân ra làm 3 giai đoạn với lộ trình khác nhau, với tần suất khai thác, các biện pháp phòng, chống dịch kèm theo để đảm bảo nhu cầu đi lại của hành khách dựa trên đánh giá nhu cầu của các thị trường này.

Bộ đã làm việc với các Bộ Ngoại giao, Công an, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện kế hoạch, tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ.

“Quyết định này trên cơ sở có điều kiện. Điều kiện để mở được chuyến bay phải xem xét các yếu tố như khả năng phòng, chống dịch, tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân để miễn dịch cộng đồng. Nhưng quan trọng phải có sự đồng thuận của các quốc gia và phương thức kiểm dịch của các quốc gia mà ta kết nối”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.

Ông cũng khẳng định, hộ chiếu vaccine cũng là công cụ để mở các chuyến bay. Vào quốc gia nào phải có sự đồng thuận của quốc gia đó và các hãng hàng không phải tuân thủ quy định này. Các hãng hàng không hiện đã sẵn sàng bay.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Việt Nam đang tiếp tục trao đổi, thảo luận với các quốc gia, trên cơ sở lộ trình đã đưa ra. Tuy nhiên, gần đây virus có biến chủng mới, các nước thận trọng hơn trong việc xem xét, đánh giá. Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng, tinh thần là xem xét mở lại chuyến bay sớm nhất có thể.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã có kịch bản chi tiết mở lại đường bay quốc tế, để vừa đạt được mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa kiểm soát được dịch bệnh.

* 5 nhóm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế

Thông tin về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, theo lịch trình, Chương trình sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp bổ sung vào cuối năm 2021. Các nội dung của Chương trình đã được báo cáo nhiều vòng.

Chương trình gồm 5 nhóm giải pháp chủ yếu về y tế; an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình; kích thích đầu tư công và cải cách hành chính. Các giải pháp này đã cơ bản bao quát hết các lĩnh vực cần được hỗ trợ cũng như những mấu chốt của nền kinh tế để phục hồi nhanh và phát triển sau khi đã phục hồi nền kinh tế.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, 5 nhóm giải pháp này đủ mạnh để phục hồi và phát triển”, Thứ trưởng khẳng định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến báo cáo Chính phủ trình Quốc hội áp dụng Chương trình phục hồi khoảng 2 năm, tập trung chủ yếu năm 2022 – 2023. Tùy tình hình cụ thể diễn biến của dịch và yêu cầu đặt ra của một số giải pháp, có thể kéo dài thêm các dự án đầu tư công có quy mô lớn, chẳng hạn dự án đường cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông giai đoạn 2, vì tổng mức đầu tư rất lớn, thực hiện trong thời gian dài.

“Có thể khẳng định, công cụ để thực hiện các giải pháp phục hồi chủ yếu tập trung vào công cụ tài khóa, tiền tệ, kết hợp các công cụ khác như huy động sự tham gia của các quỹ nhà nước ngoài ngân sách, quỹ doanh nghiệp, sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư theo phương thức đối tác công tư”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin./.

TTXVN/VNP


Top