Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ và Trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự hội nghị tại Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; các Bộ trưởng, Thủ tưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; Tòa án nhân dân Tối cao; các tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực công nghệ, thông tin...
Báo cáo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số về việc thực hiện Đề án 06 và triển khai chuyển đổi số năm 2022 cho thấy trong năm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án đã được Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án tập trung chỉ đạo quyết liệt.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức 2 Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai Đề án và Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06; đưa việc thực hiện Đề án 06 vào nội dung các phiên họp Chính phủ thường kỳ để đôn đốc, chỉ đạo thực hiện; đã ban hành 9 Nghị quyết về phiên họp thường kỳ và 16 Thông báo chỉ đạo Đề án 06.
Chính phủ, Ủy ban tổ chức 18 cuộc họp với các bộ ngành, đôn đốc 5 nhóm vấn đề; ban hành 2 Chỉ thị, 1 Công điện chỉ đạo về Đề án 06; tổ chức các cuộc kiểm tra, khảo sát việc thực hiện Đề án tại nhiều tỉnh, thành phố, bộ, ngành...
Thông qua đó, nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu. Hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt một số kết quả bước đầu. Nhiều sản phẩm, dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp kịp thời, hiệu quả.
Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Đã có 16 văn bản quan trọng về chuyển đổi số được ban hành trong năm 2022, nhất là Chiến lược Quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; 100% bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm.
Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển ở Trung ương và địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số. Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định và di động đều tăng so với cùng kỳ, xếp lần lượt thứ 45 và 52, cao hơn mức trung bình của thế giới. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối đến tận các phường, xã, thị trấn.
Các hệ thống thông tin cấp quốc gia như trục liên thông văn bản quốc gia, hệ thống phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ - eCabinet, Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành đã được triển khai và phát huy hiệu quả bước đầu. Có 48/63 địa phương đã triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh.
Các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, Bộ Công an tích cực triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số; đã kết nối, liên thông với 47 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cấp trên 76 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; đồng bộ trên 234 triệu thông tin tiêm chủng; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác định thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động...
Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp gần 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (gấp 3 lần năm 2021); hơn 154 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (tăng 1,7 lần); hơn 3,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (tăng hơn 5,7 lần).
An toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm, các doanh nghiệp Việt Nam dần làm chủ hệ sinh thái an toàn thông tin mạng. Năm 2022, đã ghi nhận và có biện pháp xử lý hơn 12 nghìn cuộc tấn công mạng tại Việt Nam, tăng 25,3% so với năm 2021. Đã có 56% cơ quan Đảng, Nhà nước áp dụng chuẩn về cấp độ bảo đảm an toàn thông tin.
Nhân lực chuyển đổi số được quan tâm đầu tư và đạt được kết quả tích cực. Mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng bước đầu phát huy hiệu quả với 69 nghìn tổ và hơn 320 nghìn thành viên; đã bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số cho gần 28 nghìn cán bộ, công chức, viên chức.
Kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Có 99% doanh nghiệp nộp thuế điện tử; 100% doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hoá đơn điện tử.
Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2022 đạt 7,5%, vượt mục tiêu đề ra. Có trung bình 40 triệu người dùng/tháng sử dụng 3 nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, tăng 43%; có 2,7 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ Mobile Money, tăng hơn 7,3 lần.
Cùng với đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch năm 2022, hiệu quả của chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương mình, tại Hội nghị, các thành viên Ủy ban và các đại biểu cũng thẳng thắn cho rằng, trong quá trình triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số phát sinh những tồn tại, hạn chế cả về cơ chế, thể chế; nhiều bộ, ngành chưa tạo dữ liệu dùng chung; thực hiện dịch vụ công chưa đầy đủ, toàn diện; tỷ lệ người dân kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử chưa cao.
Cùng với khắc phục các hạn chế trên, các đại biểu cũng đề nghị thời gian tới tiếp tục phát triển về hạ tầng, các phần mềm ứng dụng; thực hiện rộng rãi, hiệu quả hơn trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và kỹ năng số cho cán bộ, công chức và người dân...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số với vai trò nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, năm 2022 đã hoàn thành 9/12 chỉ tiêu và 101/107 nhiệm vụ trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; hoàn thành 45/56 nhiệm vụ theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các Phiên họp trước; hoàn thành 59/225 nhiệm vụ của Đề án 06 và đang tiếp tục triển khai 166 nhiệm vụ.
Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, bên cạnh kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế. Theo đó, nhiều lãnh đạo ban, bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số nhiệm vụ trọng tâm; thể chế, cơ chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; hạ tầng số, các nền tảng số quốc gia chưa hoàn thiện; nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành triển khai còn chậm, chia cắt; chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ cao còn hạn chế; chuyển đổi số còn khoảng cách lớn giữa thành thị và nông thôn...
"Hiện nay, cả nước có 266 thôn, bản còn thiếu điện, thiếu sóng internet, đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung chỉ đạo các tập đoàn, đơn vị, cơ quan liên quan trong năm 2023 phải đưa điện, internet tới các thôn bản này để 100% thôn, bản trên toàn quốc có điện, sóng internet, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, năm 2023 dự báo thời cơ, thuận lợi và khó khăn thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn. Nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt.
Trên cơ sở phân tích vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số, quan điểm chỉ đạo về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội năm 2021-2030; tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, lưu ý vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; khẩn trương hoàn thiện và quyết liệt triển khai Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ năm 2023; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc phát sinh để xử lý, không chậm trễ.
Các bộ, ngành, địa phương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số phải thực chất, tránh hình thức, phù hợp với điều kiện của mình gắn với bố trí nguồn lực phù hợp. Các nhiệm vụ trong Kế hoạch phải cụ thể, rõ ràng để dễ triển khai, dễ đánh giá, dễ kiểm tra, giám sát. Chủ động hướng dẫn, tổ chức triển khai số hóa, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện thông qua mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung hoàn thiện nền tảng cung cấp dịch vụ công toàn diện trên môi trường mạng.
Cùng với đó, tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu, nhất là 10 dịch vụ công đã quá hạn trong năm 2022; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã cung cấp trên môi trường mạng, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia; đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán các dịch vụ, chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt, xác thực tài khoản ngân hàng.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; khẩn trương khắc phục những hạn chế, bất cập về lỗ hổng bảo mật, tình trạng lộ lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân; tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả về đào tạo, tuyển dụng, bố trí, đãi ngộ nhân lực chuyển đổi số, nhất là nhân lực chất lượng cao; hạn chế tình trạng chảy máu chất xám; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Đề án 06; bảo đảm tích hợp, chuẩn hóa, cập nhật và chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các bộ, ngành, địa phương.
"Năm 2023 là năm dữ liệu; chúng ta quyết tâm phải xây dựng được Cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung; dứt khoát không bảo thủ, cát cứ", Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công an tăng cường hỗ trợ người dân thực hiện thuận lợi, đơn giản các dịch vụ công có sử dụng thông tin về công dân, nhất là thời gian đầu thực hiện bỏ hộ khẩu giấy. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng khẩn trương xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác.
Bộ Công an cũng tiếp tục hoàn thiện ứng dụng định danh, xác thực điện tử (VNEID), tích hợp các dịch vụ thiết yếu để dần thay thế các giấy tờ liên quan đến công dân; tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thí điểm 2 nhóm dịch vụ công liên thông.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện và trình Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phê duyệt Kế hoạch hoạt động năm 2023; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện các nhiệm vụ.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông rà soát lộ trình bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyển đổi quốc gia, Đề án 06, đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, tham mưu bố trí vốn đầu tư cho triển khai chuyển đổi số năm 2023 và đến 2025; khẩn trương hoàn thiện phương pháp đo lường kinh tế số tại Việt Nam, mức độ đóng góp của kinh tế số vào GDP.
Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, tham mưu bố trí kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước cho triển khai chuyển đổi số năm 2023. Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương hoàn thành 2 nhiệm vụ trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022; nghiên cứu đưa các yêu cầu về kỹ năng công nghệ thông tin vào các chuẩn chương trình đào tạo.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đẩy mạnh triển khai Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an tiếp tục thúc đẩy việc triển khai chi trả qua tài khoản cho các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách Nhà nước.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, sớm cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến lĩnh vực đất đai phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bộ Xây dựng xây dựng cơ sở quốc gia về nhà ở.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất chương trình, kế hoạch, giải pháp thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hoá thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…”.
Đối với Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, kết nối các dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt và sớm xây dựng, ban hành các Thông tư hướng dẫn triển khai.
"Các bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, doanh nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tích cực, hiệu quả trong chuyển đổi số, phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử", Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2023 là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp; góp phần xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Thủ tướng tin tưởng Chương trình chuyển đổi số với trọng tâm là Đề án 06 sẽ hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra./.