Tin tức

Lễ ký Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu

Chiều 30/6 tại Hà Nội, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đã chính thức được ký kết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến trao đổi biên bản ký Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa
Việt Nam và Liên minh châu Âu. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chụp ảnh chung. Ảnh: Thống Nhất -TTXVN

 
Chứng kiến lễ ký có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; bà Cecilia Malmström, Cao ủy Thương mại EU; ông Bruno Angelet, Đại sứ EU tại Việt Nam; cùng các vị đại diện Chính phủ, Quốc hội, các bộ ban ngành Trung ương, Đại sứ các nước châu Âu và ASEAN tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: 15 năm trước, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu, lãnh đạo Việt Nam và các nước EU đã cùng thảo luận và thống nhất đi đến một Hiệp định Thương mại tự do giữa hai bên.

"Lễ ký kết mới là khởi đầu, vẫn còn chặng đường dài phía trước, đặc biệt là chuẩn bị cho việc phê chuẩn và triển khai hiệu quả Hiệp định, điều này đòi hỏi sự nỗ lực của cả 2 bên", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033).
Bà Cecilia Malmström, Cao ủy Thương mại EU cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do ký kết hôm nay đã thể hiện sự hợp tác lâu bền giữa 2 bên.

"Hiệp định gần như sẽ xóa bỏ 100% các dòng thuế. Chúng tôi hoan nghênh Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm công. Doanh nghiệp EU sẽ cung cấp các thiết bị hạ tầng, công nghệ xanh cho Việt Nam, đi đôi với phát triển bền vững", bà Cecilia Malmström nói.

Đại diện Cao ủy Thương mại EU cũng kỳ vọng: Hiệp định này sẽ đóng góp vào sự hội nhập của khu vực giữa bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch đang gia tăng trên thế giới.

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: Thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế.

Nếu được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác.

Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định./.

Báo Tin tức/VNP

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương!

“Tôi đã khóc, không chỉ là nỗi tiếc thương trước sự mất mát của đất nước, của dân tộc Việt Nam, mà còn là những giọt nước mắt hạnh phúc trước tình cảm sâu đậm của người dân thôn Lại Đà dành cho chúng tôi. Họ đã thay mặt người con ưu tú vừa nằm xuống đáp lại tình cảm của những người dân về đây dự lễ viếng”, chị Lương Ngọc Hà, dân tộc Tày, ở tỉnh Lào Cai rưng rưng cho biết.

Top