Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Lễ hội Cầu ngư chỉ tổ chức phần lễ với nghi thức rước thuyền Long Châu (lễ vật quan trọng nhất trong lễ hội), thể hiện sự tôn kính của người dân chài với các thần linh và sự đoàn kết của cộng đồng cư dân vùng biển. Các lễ vật được dâng lên các vị thần Tam bảo Phật, Tứ vị Thánh nương, Đông Hải Đại vương, Nẹ Sơn Tôn thần, Nam Hải đại tướng quân… với mục đích tạ ơn các thần đã cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang, mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no hạnh phúc.
Lễ hội cũng là dịp để hàng ngàn ngư dân của xã Ngư Lộc cũng như các xã ven biển của huyện Hậu Lộc cùng tập hợp lại, thể hiện quyết tâm vươn khơi bám biển, giữ vững ngư trường, góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Xã Ngư Lộc hiện có gần 400 phương tiện đánh bắt thủy hải sản, trong đó có hơn 200 tàu thuyền lớn thường xuyên đánh bắt xa bờ.
Xuất phát từ Lễ hội Cầu mát truyền thống của cư dân làng Diêm Phố vào thời Hậu Lê, Lễ hội Cầu ngư là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc được hình thành từ rất sớm trong cộng đồng cư dân làng biển Diêm Phố (xã Ngư Lộc ngày nay). Trải qua nhiều thế kỷ, những nét văn hóa độc đáo của Lễ hội Cầu ngư xã Ngư Lộc đã trở thành tâm thức sâu đậm trong người dân, được toàn thể cộng đồng thực hành và bảo vệ. Tháng 9/2017, Lễ hội Cầu ngư được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội Cầu Ngư xã Ngư Lộc diễn ra từ ngày 24-26/3. Đến cuối ngày 26/3 (tức ngày 24/2 âm lịch), thuyền Long Châu sẽ được hóa trước biển, nghi lễ này cũng là hoạt động để kết thúc Lễ hội Cầu ngư hàng năm./.