Tin tức

Lan tỏa ngành vi mạch bán dẫn tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Sáng 17/3, Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ, Trường Bách khoa - Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Sun Edu đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn. Đây là tiền đề tạo sự lan tỏa và chuẩn bị nhân lực chất lượng cao về điện tử, vi mạch bán dẫn tại Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, các bên sẽ cùng hợp tác tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn để đón đầu nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này; tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu cho viên chức, giảng viên và sinh viên trên địa bàn thành phố và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

  Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại lễ ký kết.  
  Các bên ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo nhân lực ngành điện tử và vi mạch bán dẫn. 

Các bên cũng sẽ phối hợp tổ chức các sự kiện truyền thông về hoạt động triển khai chương trình; tổng hợp, báo cáo, đánh giá hiệu quả hoạt động đào tạo, đồng thời tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực một cách hiệu quả, chất lượng.

Cần Thơ có nguồn nhân lực trẻ và dồi dào, nhân lực có trình độ cao không ngừng tăng lên. Thành phố Cần Thơ cũng đang tập trung xây dựng và phát triển công nghệ cao, công nghệ 4.0, tăng cường đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo nhân lực về công nghệ điện tử và vi mạch bán dẫn.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, theo kết quả đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo năm 2023, Cần Thơ nổi trội về sản phẩm tri thức, sáng tạo công nghệ với đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích cùng giống cây trồng, đồng thời được đánh giá mạnh về nhân lực nghiên cứu và phát triển. Hợp tác lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư không chỉ cho Cần Thơ mà cho cả vùng Tây Nam Bộ.

Nhân lực là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Việt Nam đã và đang thu hút được nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn từ các nước phát triển như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan…

  Lãnh đạo thành phố Cần Thơ và Bộ Khoa học và Công nghệ chúc mừng các đơn vị.  

Theo Tiến sĩ Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Công ty Marvell Việt Nam, Marvell lựa chọn đầu tư tại Việt Nam dựa trên 3 lý do chính: sự ổn định về địa chính trị; nguồn nhân lực có kiến thức cơ bản tốt; hiệu quả đầu tư. Công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam đang có cơ hội vàng để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chính phủ Việt Nam cũng đang có nhiều chương trình, giải pháp phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu đào tạo đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp bán dẫn. 

Báo ảnh Việt Nam/ Thực hiện: Tiến Lực - TTXVN


Top