Tin tức

Không pháo hoa, giao thừa của người dân Cố đô Huế vẫn sum vầy, đầm ấm


Không gian Hội Xuân Huế 2022 thu hút nhiều người đến tham quan và chụp hình lưu niệm.
Ảnh: Tường Vi/TTXVN
Như các tỉnh, thành phố khác, giao thừa năm nay của người dân Cố đô Huế không được thưởng thức pháo hoa nhưng ai ai cũng háo hức đợi chờ thời khắc chuyển sang năm mới Nhâm Dần 2022. Các gia đình quây quần bên nhau, chuẩn bị bày biện mâm cúng, sum họp đầm ấm thay vì đổ xô ra đường. Mọi người cùng mong chờ một năm mới bình an và dồi dào sức khoẻ.

Không khí đón giao thừa năm nay của người dân Cố đô Huế không nhộn nhịp, rộn ràng như mọi năm. Vắng pháo hoa và trời mưa lạnh khiến các tuyến đường, trung tâm thành phố, đường hoa Xuân dọc sông Hương ít người qua lại. Nhưng không vì thế mà tinh thần và niềm vui của người dân Huế vào tương lai ít đi.

Gia đình chị Trần Thị Phương Dung (phường An Đông, thành phố Huế) năm nay “tạm gác” các cuộc vui cuối năm và thói quen ngắm pháo hoa đêm giao thừa. Thay vào đó, chị tranh thủ ở nhà bày biện bánh mứt, sắp xếp mâm ngũ quả chào đón năm mới. Dù kinh tế  có phần khó khăn hơn mọi năm nhưng mâm cúng giao thừa của gia đình vẫn được chị chuẩn bị tươm tất với gà luộc, bánh chưng, dưa món, xôi chè và mâm ngũ quả. “Không pháo hoa cũng được, miễn là năm mới đến mọi người đều được bình an; kinh tế - xã hội sớm phục hồi”, chị Dung chia sẻ.

Cùng chồng chuẩn bị bàn thờ cúng giao thừa, nhìn con vui cười khi xem chương trình Táo quân 2022- Gặp nhau cuối năm, chị Dung cảm thấy đủ đầm ấm và hạnh phúc trong ngày cuối cùng của năm Tân Sửu.

Trên khắp phố phường, các chậu hoa tươi đã được chưng sẵn, tô đẹp trước cổng nhà. Mọi gia đình quây quần bên nhau, sẵn sàng đón khoảnh khắc năm mới đến.

Năm 2021 là năm đầu tiên tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn có những điểm sáng tích cực, rõ nét trên các ngành, lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng dương, đạt 4,36%, cao gấp đôi tốc độ trung bình của cả nước; thu ngân sách lần đầu tiên đạt gần 11.000 tỷ đồng, vượt 80% dự toán; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 25.500 tỷ đồng, tăng 4,5% so cùng kỳ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, năm 2022 dự báo sẽ tiếp tục có những khó khăn, tuy nhiên tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng ở mức khá cao đó là 6,5- 7,5% và tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp.

Theo đó, một số giải trọng tâm là cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế dựa trên các lợi thế ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Du lịch vẫn tiếp tục được chọn là lĩnh vực mũi nhọn; cùng với đó là dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là bứt phá và kinh tế biển cũng là lĩnh vực thiết yếu.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên - Huế sẽ đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị; đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin và đô thị đồng bộ, hiện đại, thông minh.

Tỉnh cũng hướng đến thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn; tập trung xây dựng các chính sách hỗ trợ các Doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao…

Năm 2021 đầy biến cố do ảnh hưởng của dịch bệnh, cùng với những mong ước riêng, người dân Thừa Thiên - Huế cũng mong chờ một năm mới 2022 với nhiều khởi sắc, bình an; tin tưởng nền kinh tế, đời sống, xã hội của địa phương sẽ sớm hồi phục và phát triển mạnh mẽ hơn./.

TTXVN/VNP


Top