Tin tức

Khám phá căn hầm bí mật có tuổi đời hơn nửa thế kỷ giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh

Đó là Hầm bí mật chứa vũ khí trong thời kỳ chống Mỹ (1965-1975) có địa chỉ tại số 183/4 đường 3 tháng 2 (phường 11, quận 10, Tp. Hồ Chí Minh) được xây dựng từ năm 1965, hiện nay đã trở thành di tích lịch sử quốc gia và trở thành một địa chỉ lịch sử, văn hóa của địa phương, thu hút học sinh, sinh viên tìm hiểu, nghiên cứu và phục vụ nhu cầu tham quan, khám phá của người dân và du khách.
  Ông Đỗ Văn Căn và bà Nguyên Thị Cúc là người xây dựng hầm bí mật, vận chuyển vũ khí và bảo vệ hầm vũ khí từ tháng 7/1965 đến 30/4/1975.  
  Đ/c Nguyễn Văn Trí, chính trị viên đơn vị “Đảm bảo chiến đấu biệt động thành” Chỉ đạo đào hầm bí mật (ảnh chụp năm 1965).  
  Căn nhà số 183/4 có hầm bí mật chứa vũ khí còn là nơi trưng bày các hình ảnh, hiện vật liên quan đến di tích.  

Được biết, chủ nhân của căn nhà là ông Ông Đỗ Văn Căn, bí danh Ba Mủ làm nghề thợ giày. Tham gia cách mạng từ năm 1945, đến năm 1963, ông Ba Mủ công tác tại đơn vị J9T700 thuộc Biệt động Sài Gòn. Đầu năm 1965, ông được lệnh gấp rút xây dựng hầm bí mật ngay tại nhà để chứa vũ khí, phục vụ công cuộc kháng chiến tại địa phương. Căn nhà này có tổng diện tích 60m2 với tường xây bằng gặch, mái lộp tôn, riêng phần hầm bí mật được ông Ba Mủ đào ròng rã trong vòng một tháng vào ban đêm, thì hoàn thành, có chiều dài 2,2m, ngang 1,8m, sâu 1,7m. Cửa hầm được đặt ngay tại phòng khách với phần nắp hầm kích thước 0,4mx0,6m được ngụy trang bằng bộ ghế salon đặt phía trên rất khéo, khó phát hiện. Trong vòng 4 tháng sau đó, rất nhiều vũ khí đã được chuyển về đây gồm thuốc nổ, kíp nổ, đạn, lựu đạn, súng ngắn, tiểu liên AK, quân trang, quân dụng…

  Miệng hầm bí mật chứa vũ khí trong căn nhà số 183/4.  
  Không gian trong hầm bí mật chứa vũ khí.  
  Dụng cụ ép đế giày cao su của ông Ba Mủ.  
  Thuốc nổ TNT cất giấu trong hầm bí mật.  
  Lựu đạn cất giấu trong hầm bí mật.  
  Kiểm tra lại số vũ khí tại hầm bí mật (ảnh chụp năm 1976).  
  Bằng chứng nhận di tích Lịch sử - Văn hóa “ Hầm bí mật chứa vũ khí trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ 1965 - 1975”.  

Trong tổng tiến công và nổi dậy Mậu thân 1968, đã có những cánh quân theo nhiệm vụ tiến về Sài Gòn đã đến điểm hẹn tại nhà ông Căn để tiếp nhận vũ khí, đạn dược… phục vụ cho chiến dịch. Sau đó, ngôi nhà thường bị khám xét nhưng căn hầm bí mật vẫn không bị phát hiện.

Nhận thấy vai trò lịch sử quan trọng của địa danh này đối với một giai đoạn quan trọng của TP.HCM, chính quyền địa phương đã có những hoạt động bảo quản, giữ gìn nguyên trang căn hầm này, cũng như giữ gìn các hiện vật như vũ khí, đạn dược, quân trang… và trưng bày một cách khoa học nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khám phá về một giai đoạn kháng chiến tuy hiểm nguy, vất vả nhưng hào hùng của dân tộc. Năm 1998, Hầm bí mật chứa vũ khí trong thời kỳ chống Mỹ (1965 - 1975) này đã được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia.
  Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và nghi sỏ lưu niệm.  
  Đoàn thiếu niên Quân 10 thăm di tích.  
  Đại biểu Ethiopia thăm quan hầm ngầm bí mật.  
  Đoàn vô tuyến truyền hình Liên Bang Xô Viết thăm quan, nghiên cứu hầm bí mật chứa vũ khí (tháng 4/1980).  
  Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Dominica thăm quan hầm bí mật chứa vũ khí .  

Tồn tài hơn nửa thế kỷ qua, hầm bí mật chứa vũ khí này đã trở thành một điểm đến lịch sử, văn hóa đầy tự hào của người dân địa phương. Có thể nói hiện nay căn hầm này không còn là “bí mật” nữa vì được nhiều người dân biết, quan tâm và tìm hiểu. “Địa chỉ đỏ” này cũng đã được hàng chục nghìn đoàn học sinh, sinh viên mỗi năm tìm đến tham quan, học tập, nghiên cứu, trở thành một địa chỉ tham quan, khám phá lý thú đối với du khách khi đến du lịch tại TP.HCM./.

Bài: Sơn Nghĩa - Ảnh: Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam

Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc khuyến nghị nhiều giải pháp nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam

Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc khuyến nghị nhiều giải pháp nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam

Ngày 25/4, trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam, ông Jean Todt, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về an toàn giao thông đường bộ đã làm việc với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các cơ quan liên quan, trao đổi giải pháp phối hợp nhằm nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành chủ trì buổi làm việc.

Top