Tin tức

Khai mạc chương trình “Yên Tử - Về miền đất Phật mùa thu, năm 2020”

Biểu diễn múa rồng tại lễ khai mạc. Ảnh: Văn Đức - TTXVN
Ngày 11/11, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ khai mạc chương trình “Yên Tử - Về miền đất Phật mùa thu, năm 2020”.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh: Đây là sự kiện trung tâm nằm trong chuỗi 64 sự kiện kích cầu du lịch Quảng Ninh trong quý 4/2020, gắn với dịp kỷ niệm 762 năm ngày sinh của Đức vua Trần Nhân Tông và 712 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân tông nhập niết bàn.

Năm 2020 là năm đầu tiên tỉnh Quảng Ninh tổ chức chương trình “Yên Tử - về miền đất Phật mùa thu” với 21 hoạt động nằm trong chuỗi trên 100 hoạt động thuộc 64 sự kiện kích cầu du lịch của tỉnh dịp cuối năm.

Chương trình khai mạc đúng ngày 11/11 là ngày sinh của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông và diễn ra đến ngày 16/12 với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tâm linh đặc sắc như: Lễ nhiễu tháp tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông, đêm hội hoa đăng, nghi thức cúng Phật đại khoa; khánh thành chùa Quỳnh Lâm; Hội thảo khoa học “Thiền sư Pháp Loa - Sự nghiệp tu hành, thiền học”; Lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn vào ngày 1/11 âm lịch (tức ngày 14/12/2020)... thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan, chiêm bái lễ Phật.

Việc tổ chức thành công chương trình “Yên Tử - về miền đất Phật mùa thu, năm 2020” sẽ là tiền đề để tổ chức các chương trình vào những năm tiếp theo, trở thành sản phẩm du lịch văn hoá tâm linh đặc sắc, không chỉ thu hút khách nội địa mà còn thu hút đông đảo khách quốc tế về với Yên Tử. Đồng thời, góp phần mở rộng không gian du lịch, tạo sản phẩm du lịch thu hút nhân dân và du khách đến với Yên Tử cả 4 mùa trong năm.

Lịch sử Việt Nam ghi nhớ công lao của vị vua anh minh Trần Nhân Tông – một nhà thơ, nhà văn hóa nổi tiếng; người sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm – một dòng Thiền riêng của Phật giáo Việt Nam, hiện thân của sự kết hợp giữa đạo và đời để góp phần bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Yên Tử được xem là vùng “đất Phật”, “cõi Phật”, vùng đất thiêng từ trước Công nguyên gắn với huyền tích về đạo sĩ An Kỳ Sinh đã đến nơi đây tu hành đắc đạo và sau đó Yên Tử đã trở thành nơi tu hành của nhiều thế hệ tăng, ni của Phật giáo nước ta. Tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm là Phật ở ngay trong tâm, thông qua tín ngưỡng để nuôi tâm, trí, đức, dạy đạo làm người, bồi đắp tính độc lập, tự cường, phát huy sự thuận hòa trong nhân dân.

Di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử là một trong 5 Di tích cấp quốc gia đặc biệt, nằm trong 632 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, thuộc không gian linh thiêng đặc biệt bao trùm quần thể di tích, tín ngưỡng, tôn giáo với 14 di tích trong khu vực Đông Yên Tử - Quảng Ninh gồm: Khu di tích – danh thắng Yên Tử - nơi Phật hoàng tu luyện, giác đạo và là trung tâm đào tạo sư tăng của Trúc Lâm, khu di tích Đông Triều – nơi Phật hoàng nhập niết bàn; 6 di tích nằm trong khu vực Tây Yên Tử, Bắc Giang và 20 di tích thuộc Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc – Thanh Mai, Hải Dương. Tất cả tạo nên quần thể kiến trúc đồ sộ nằm trong không gian rộng lớn trải khắp sườn Đông và Tây Yên Tử.

Với các giá trị vật thể, phi vật thể đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đang chủ trì, phối hợp với các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang tích cực triển khai xây dựng Hồ sơ khoa học Quần thể di tích danh thắng Yên Tử để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới./.

TTXVN/VNP


Top