Trong thời gian qua, huyện Phú Xuyên đã có 80 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đạt từ 03 sao trở lên. Các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện đều tích cực và năng động tham gia các hoạt động trưng bày, quảng bá, xúc tiến thương mại tổ chức tại Thành phố và các tỉnh thành cả nước. Trên địa bàn huyện có 03 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại xã Phú Yên, Sơn Hà và Tân Dân. Tiếp nối những đạt được thì theo định hướng phát triển năm 2023, UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP, dự kiến đánh giá, phân hạng 40 sản phẩm đạt từ 03 sao trở lên.
Tính đến tháng 6 năm 2023, toàn huyện Phú Xuyên có 43 làng nghề được Thành phố công nhận, trong đó 42 làng nghề đang hoạt động. Những làng nghề truyền thống này được nhiều nơi biết đến như: Khảm trai ở xã Chuyên Mỹ là thủy tổ nghề khảm trai có từ thế kỷ 11; nặn Tò he ở Xuân La, xã Phượng Dực có cách đây 300 năm và là làng nghề duy nhất có ở Việt Nam. Ngoài ra còn có những làng nghề tiêu biểu khác như may comple ở Vân Từ, giầy da Phú Yên, đan cỏ tế xuất khẩu ở Phú Túc, đồ gỗ cao cấp ở Tân Dân, Nam Tiến, nghề cơ kim khí ở Đại Thắng, dệt lưới chã ở xã Quang Trung… Cùng với đó, huyện Phú Xuyên có 03 nhãn hiệu làng nghề được công nhận là: Giày da Phú Yên, khảm trai Chuyên Mỹ, kẹo Cổ Hoàng.
Bên cạnh việc chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông nghiệp vụ Xuân, vụ Mùa năm 2023. Các xã tạo điều kiện để thúc đẩy sản xuất các ngành nghề, làng nghề tạo thêm công ăn việc làm, mở rộng hoạt động thương mại, bán hàng trực tuyến để phát triển kinh tế địa phương. Điển hình như các xã: xã Đại Thắng phấn đấu năm 2023 đạt 75 triệu đồng/năm; Xã Tri Trung đạt từ 72 triệu đồng/năm trở lên; Xã Phúc Tiến đạt từ 72 triệu đồng/năm trở lên.
Tại huyện Phú Xuyên, kinh tế nông thôn được chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nhiều làng nghề truyền thống ở các xã Đại Thắng, Vân Từ, Phú Yên,...được mở rộng và phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo nông thôn.
Theo thống kê của huyện Phú Xuyên cho thấy, trên địa bàn huyện hiện có 154 làng, cụm dân cư làm nghề (chiếm 100%) với 78 làng nghề được duy trì và phát triển cho đến nay. Trong đó, có 9 làng khảm trai, 10 làng đan cỏ tế, 10 làng sản xuất đồ mộc, 12 làng may mặc và làm giày… Toàn huyện có 22.400 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chiếm 39%, số lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp là 41.000 người, chiếm 40%. Thu nhập từ làng nghề đạt gần 5.000 tỷ đồng mỗi năm...
Các sản phẩm của các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống ở Phú Xuyên không chỉ có chỗ đứng ở thị trường trong nước mà đến nay các sản phẩm này đã có mặt ở thị trường thế giới. Một số sản phẩm mây giang đan còn được xuất khẩu sang các nước trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… Huyện cũng phát huy thế mạnh các làng nghề để quảng bá giới thiệu sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, phát triển bền vững cho địa phương.
Đến với huyện Phú Xuyên chúng ta có thể thấy rất rõ sự chuyển biến, ngoài việc phát triển làng nghề thì việc đưa du lịch làng nghề vào khai thác của huyện luôn được thành phố và huyện quan tâm, tạo sự chuyển biến tích cực. Nhiều làng nghề nổi tiếng như: May mặc Vân Từ; Giày da Phú Yên; Đồ gỗ ở các xã Tân Dân, Văn Nhân; Khảm trai Chuyên Mỹ; Mây giang đan, cỏ tế Phú Túc… Các làng nghề phát triển mạnh và tạo việc làm thường xuyên cho lao động trong và ngoài địa phương với mức lương từ 7 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với việc quan tâm, khuyến khích các làng nghề tiếp tục cải tiến và hiện đại hóa công nghệ, quy trình và nguyên vật liệu sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mẫu mã sản phẩm, huyện Phú Xuyên coi trọng đào tạo, công nhận, tập hợp, tôn vinh đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi có tay nghề cao.
Bên cạnh đó, huyện cũng đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề, truyền nghề và nâng cao năng lực quản trị cho chủ cơ sở sản xuất làng nghề; Nâng cao thương hiệu làng nghề, chú trọng nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của hàng hóa làng nghề. Song song với đó, huyện cũng đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề.
Để có được những thành quả trên thì công tác xây dựng nông thôn mới được chính quyền địa phương huyện Phú Xuyên chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên. Qua đó, có thể thấy huyện Phú Xuyên đang thực hiện rất tốt việc phát triển kinh tế làng nghề, nâng cao đời sống người dân và chương trình mỗi xã một sản phẩm sẽ tiếp tục phát triển, các sản phẩm OCOP của huyện Phú Xuyên sẽ ngày càng có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường../.
(Bài có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội)