Tin tức

Hơn 300 y, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cùng 8 tấn trang thiết bị đã vào hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch


Lễ tiễn đoàn công tác lên đường vào hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Ngày 5/8, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang điều hành “công trường” thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 của Bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong ngày 5/8, hơn 300 y, bác sĩ Bệnh viện sẽ vào Thành phố Hồ Chí Minh “3 cùng” tại Trung tâm Hồi sức tích cực này.

Đội quân tinh nhuệ chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh lần này của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là những bác sĩ chuyên ngành hồi sức, gây mê, ngoại khoa… và điều dưỡng có khả năng thiết lập, vận hành thở máy để điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Trước giờ lên đường tất cả các y, bác sĩ đã chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng chạy đua với thời gian, chung sức, đồng lòng tham gia chống dịch, cứu chữa người mắc COVID-19 nặng và rất nặng của Thành phố. Nhiều y, bác sĩ đã quyết định cắt tóc, đặc biệt nhiều nữ y bác sĩ đã cắt đi mái tóc dài của mình để tiện chăm sóc bệnh nhân COVID-19 nặng.

Đêm 4/8 rạng sáng 5/8, hàng trăm thiết bị y tế của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cùng 9 y bác sĩ đã đến Ga Sài Gòn.

Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, số trang thiết bị này đã được vận chuyển ngay từ Ga Sài Gòn về Trung tâm Hồi sức tích cực. Ngay trong sáng 5/8, các chuyên gia, kỹ sư của Bệnh viện cùng các bên liên quan nhanh chóng bắt tay vào phân chia, thiết lập và lắp đặt các công đoạn kỹ thuật.

“Chúng tôi đang chạy đua cùng thời gian, nỗ lực nhất có thể nhằm nhanh chóng hoàn thiện các công việc kỹ thuật để có thể vận hành nhanh nhất Trung tâm Hồi sức tích cực để điều trị cho người bệnh”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ chia sẻ.

Các đoàn công tác của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức do Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện, cùng các chuyên gia về hồi sức, gây mê, kỹ sư có chuyên môn về thiết lập hệ thống điều trị hồi sức đã có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh khảo sát trực tiếp hạ tầng của Bệnh viện dã chiến số 13.

Tiếp sau đó, Đoàn công tác do Phó Giám đốc Bệnh viện Đồng Văn Hệ đã vào Thành phố Hồ Chí Minh và hiện đang cùng các chuyên gia của Bệnh viện, các bên liên quan của Thành phố nhanh chóng thiết lập, lắp đặt trang thiết bị để sớm hoàn thiện Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 của Bộ Y tế tại đây.

Trước đó, tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch, để tăng cường năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19 cho Thành phố, đặc biệt là bệnh nhân nặng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã quyết định thiết lập thêm các Trung tâm Hồi sức tích sực COVID-19 của Bộ Y tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, ngoài Bệnh viện hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh 1.000 giường, Bộ Y tế thiết lập thêm 4 Trung tâm Hồi sức tích cực khác và phân công Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm điều hành.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được giao thiết lập, điều hành Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 quy mô 500 giường trên cơ sở Bệnh viện dã chiến số 13. Bộ trưởng giao Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ hoạt động chuyên môn của Trung tâm Hồi sức tích cực này./.

TTXVN/VNP

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương!

“Tôi đã khóc, không chỉ là nỗi tiếc thương trước sự mất mát của đất nước, của dân tộc Việt Nam, mà còn là những giọt nước mắt hạnh phúc trước tình cảm sâu đậm của người dân thôn Lại Đà dành cho chúng tôi. Họ đã thay mặt người con ưu tú vừa nằm xuống đáp lại tình cảm của những người dân về đây dự lễ viếng”, chị Lương Ngọc Hà, dân tộc Tày, ở tỉnh Lào Cai rưng rưng cho biết.

Top