Tin tức

Hội nghị ngành Nhãn khoa Việt Nam 2019

Giới thiệu, trưng bày trang thiết bị y tế trong nước và quốc tế liên quan đến ngành nhãn khoa.
Ảnh: Bích Huệ - TTXVN
Trong ba ngày (từ 24-26/10), tại thành phố Vinh (Nghệ An), Hội Nhãn khoa Việt Nam phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Mắt Nghệ An tổ chức Hội nghị Nhãn khoa Việt Nam năm 2019.

Tham dự hội nghị có trên 2.000 đại biểu Việt Nam, 80 chuyên gia, khách mời quốc tế đến từ Pháp, Italy, Nhật Bản, Thái Lan, Australia, Singapore, Hàn Quốc… và hơn 50 công ty dược phẩm.

Tại hội nghị có trên 200 bài báo cáo về các chuyên ngành: Glôcôm, thể thủy tinh, dịch kính võng mạc, mắt trẻ em, giác mạc, phòng chống mù lòa…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Tỷ lệ mù lòa tại Việt Nam 10 năm qua đã có nhiều thay đổi, sẹo giác mạc do mắt hột có xu hướng giảm trong khi đục thủy tinh thể, tật khúc xạ, bệnh võng mạc do đái tháo đường có xu hướng tăng. Theo kết quả điều tra mới nhất tại 14 tỉnh, thành năm 2015, tỷ lệ mù lòa ở người 50 tuổi trở lên của nước ta là 1,8%, giảm đáng kể so với năm 2008 (3,1%). Số người mù ước tính ở Việt Nam giảm từ 443.700 người năm 2000 xuống 370.640 người năm 2007 và giảm xuống 269.380 người năm 2018.

Đó là những thách thức lớn để chúng ta quan tâm và có kế hoạch can thiệp trong thời gian tới, nhằm đạt mục tiêu “Thị giác 2020”.

Đánh giá cao những cố gắng bước đầu của các Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Trung ương Huế trong việc phối hợp với ngành Nhãn khoa để sàng lọc và điều trị trẻ mắc ROP, bà Ava Hossain, đại diện Hội Nhãn khoa châu Á Thái Bình Dương (APAO) cho rằng, Việt Nam cần chủ động hợp tác với các quốc gia, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong nghiên cứu, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ tài chính nhằm nâng cao chất lượng phục vụ. Cùng với đó là tăng cường hợp tác song phương với các cơ sở đào tạo chuyên ngành phòng chống mù lòa để nâng cao trình độ chuyên môn.

Trong khuôn khổ hội nghị có trình chiếu trực tiếp nhiều kỹ thuật phẫu thuật như: Phaco, cắt dịch kính võng mạc, ghép giác mạc…từ phòng mổ để các chuyên gia cùng bàn luận.

Bên lề hội nghị còn có các khóa đào tạo ngắn hạn với những chủ đề về: dịch kính võng mạc-OCT, phẫu thuật Laser Femto Second, phẫu thuật Phaco nâng cao, Glôcôm, Nhãn nhi, tạo hình-thẩm mỹ. Dự kiến sẽ có 20 lớp học với các chuyên đề khác nhau để bổ sung kiến thức mới đội ngũ bác sĩ chuyên ngành Nhãn khoa trong nước.

Hội nghị ngành Nhãn khoa Việt Nam được tổ chức thường niên nhằm đánh giá tổng kết công tác phòng chống mù lòa tại Việt Nam, rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời đưa ra phương hướng hoạt động cho năm tới.

Hội nghị cũng là diễn đàn khoa học để cán bộ ngành Nhãn khoa trao đổi, chia sẻ, công bố các công trình nghiên cứu nhãn khoa mới nhất được ứng dụng thời gian qua. Các bác sĩ Việt Nam có điều kiện tiếp xúc với chuyên gia hàng đầu trong một số lĩnh vực chuyên sâu của ngành Nhãn khoa trên thế giới để trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác khám, điều trị cho người bệnh.

Tại hội nghị còn có 52 gian hàng trưng bày những sản phẩm mới, hiện đại của nhiều công ty dược phẩm, trang thiết bị y tế trong nước và quốc tế liên quan đến ngành Nhãn khoa./.
TTXVN/VNP

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương!

“Tôi đã khóc, không chỉ là nỗi tiếc thương trước sự mất mát của đất nước, của dân tộc Việt Nam, mà còn là những giọt nước mắt hạnh phúc trước tình cảm sâu đậm của người dân thôn Lại Đà dành cho chúng tôi. Họ đã thay mặt người con ưu tú vừa nằm xuống đáp lại tình cảm của những người dân về đây dự lễ viếng”, chị Lương Ngọc Hà, dân tộc Tày, ở tỉnh Lào Cai rưng rưng cho biết.

Top