Chuyên gia Uch Leang khẳng định Việt Nam đã đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc củng cố và mở rộng đoàn kết ASEAN, ứng phó hiệu quả với các thách thức, hội nhập hài hòa giữa các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của Việt Nam và lợi ích của các nước khác như kết nối hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, an ninh lương thực, năng lượng, phát triển tiểu vùng và các chương trình phòng chống biến đổi khí hậu. Cùng với đó, Việt Nam có những đóng góp tích cực trong việc hoạch định Tầm nhìn ASEAN 2020, Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, cũng như việc triển khai kế hoạch thực hiện ở từng trụ cột của cộng đồng khu vực, cùng nhiều thỏa thuận quan trọng khác, nhất là vấn đề kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên ASEAN.
Chuyên gia người Campuchia cũng đề cao việc Việt Nam thúc đẩy để Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) trở thành một quy tắc ứng xử cho mối quan hệ giữa các nước ASEAN với các quốc gia ngoài khu vực; đồng thời tích cực tham gia xây dựng và thông qua văn kiện Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP), qua đó định hình lập trường chung của ASEAN, thúc đẩy hợp tác phù hợp trên cơ sở tuân thủ giá trị, nguyên tắc và vai trò trung tâm của ASEAN.
Thạc sỹ Uch Leang nhấn mạnh quyết tâm của Việt Nam trong giải quyết những thách thức mà các nước ASEAN đang phải đối mặt. Ông đánh giá tích cực năng lực của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19, nhất là việc triển khai tiêm vaccine kịp thời cho người dân và nhanh chóng phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn, Việt Nam vẫn duy trì các hoạt động ngoại giao song phương với Campuchia cũng như đảm bảo ổn định hoạt động mậu biên nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân hai nước.
Trên cương vị chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN để thúc đẩy gắn kết nhịp nhàng cộng đồng ASEAN, sẵn sàng cho việc triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó tích cực nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh.
Đối với giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, Việt Nam đã nhấn mạnh quan điểm kiềm chế, không làm phức tạp thêm tình hình và giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Điều đó đã góp phần duy trì hòa bình, an ninh, quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Cuối cùng, ông Uch Leang ghi nhận việc Việt Nam ủng hộ vai trò chủ tịch ASEAN trong việc kết nối với tất cả các bên liên quan nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, cũng như nỗ lực của ASEAN trong việc xúc tiến hoạt động viện trợ nhân đạo tại Myanmar; đồng thời thúc đẩy các bên liên quan ở Myanmar thực hiện đầy đủ, hiệu quả Đồng thuận 5 điểm mà ASEAN đã đạt được ngày 24/4/2021./.