Tin tức

Hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi kinh tế

Quang cảnh lễ ký kết. Ảnh: TTXVN phát
Chiều 24/6, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, Nhóm Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Australia vừa thống nhất mở rộng hợp tác chiến lược tại Việt Nam với khoản hỗ trợ bổ sung trị giá 5 triệu đô la Australia nhằm hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Đây là khoản tài chính từ Chính phủ Australia, được Nhóm Ngân hàng Thế giới quản lý và bổ sung cho Chương trình hợp tác chiến lược Chính phủ Australia – Nhóm Ngân hàng Thế giới – Giai đoạn 2 (ABP2) nhằm hỗ trợ chương trình phát triển của Việt Nam thông qua chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chính sách.

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, khoản hỗ trợ bổ sung này sẽ góp phần giải quyết những thách thức trước mắt và các nhu cầu quan trọng của Việt Nam trong giai đoạn hậu dịch COVID-19. Thông qua hỗ trợ cho các lĩnh vực quan trọng như phát triển kinh tế tư nhân, hội nhập thương mại, đổi mới sáng tạo, chương trình đặt mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam khôi phục tiềm năng của mình theo cách thức nhanh chóng và bền vững nhất.

Bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam có thể tự hào về những thành tích đã đạt được trong khống chế đại dịch COVID-19. Thách thức tới đây của Việt Nam, cũng như của Australia là lan tỏa thành công từ lĩnh vực y tế sang lĩnh vực kinh tế. Chương trình này sẽ tiếp tục cung cấp tư vấn, phân tích chính sách kinh tế tầm cỡ quốc tế cho các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách Việt Nam để đẩy nhanh tiến trình hồi phục nền kinh tế, trong đó đẩy mạnh tập trung vào vấn đề bình đẳng giới và bảo trợ xã hội.

Khoản vốn bổ sung này sẽ giúp bảo vệ, hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, thông qua cải thiện an sinh xã hội bằng cách nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí trong chi trả trợ cấp xã hội, thu hẹp khoảng cách vốn nhân lực, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số… Khoản vốn bổ sung cũng sẽ nhắm tới các hoạt động phục hồi kinh tế, bao gồm đẩy nhanh các khoản đầu tư nhằm đẩy mạnh hội nhập thương mại, hỗ trợ khu vực tư nhân nâng cao khả năng kháng cự trước các cú sốc trong tương lai, thông qua cải cách cơ cấu, tận dụng kỹ thuật số nhằm giảm chi phí giao dịch cho chính phủ, người dân, doanh nghiệp./.

TTXVN/VNP


Top