Quang cảnh buổi Tọa đàm. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN
|
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chủ nhiệm Chương trình cho biết: Mục tiêu của chương trình là nghiên cứu ứng dụng, phát triển và chuyển giao một số công nghệ chủ chốt của công nghệ 4.0 mà Việt Nam có lợi thế (y tế, du lịch, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, công nghiệp chế biến và chế tạo, giáo dục - đào tạo và dạy nghề, giao thông, xây dựng…) để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đồng thời, chương trình hỗ trợ thí điểm đổi mới một số mô hình quản trị, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực chủ chốt theo hướng chuyển đổi số.
Chương trình kỳ vọng sẽ có ít nhất 30 giải pháp công nghệ được hình thành từ các công nghệ chủ chốt như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, phân tích dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, robot, điện toán đám mây (I-cloud)… được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và dịch vụ; đồng thời, có ít nhất 10 mô hình quản trị, sản xuất, kinh doanh và giải pháp chuyển đổi số trong quản lý điều hành doanh nghiệp. Chương trình cũng hỗ trợ ưu đãi tín dụng ít nhất cho 50 doanh nghiệp đầu tư các hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ 4.0…
Ông Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh, các nhà khoa học, chủ doanh nghiệp… đề xuất đề tài/dự án cho Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2019 - 2025, ngoài danh mục ưu tiên, cần chú ý đến “đầu ra” cho đề tài. Nghĩa là những công trình nghiên cứu khoa học, những sáng kiến cần có đơn đặt hàng của đơn vị sẽ tiếp nhận và triển khai vào thực tế.
Nhiều ý kiến của các nhà khoa học, doanh nghiệp của thành phố Cần Thơ cho rằng, ngành chức năng địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân về ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 vào thực tế đời sống. Để Chương trình triển khai thuận lợi và mang lại hiệu quả, cần có sự kết nối giữa các địa phương, kết nối liên ngành để tận dụng tối đa lợi thế và giảm thiểu nguy cơ trong quá trình thực hiện. Các viện, trường phải phát huy vai trò đầu mối kết nối, đề xuất và tư vấn cho địa phương đưa ra các đề tài, dự án nghiên cứu đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất - kinh doanh đặc thù của địa phương, nhưng phải phù hợp với định hướng phát triển chung của đất nước cả trong lý luận lẫn thực tiễn./.
TTXVN/VNP