Tin tức

Hà Nội nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại buổi họp báo, nguyên nhân học sinh nghỉ học là do phụ huynh không cho con em đến trường, để phản đối, gây sức ép, không cho triển khai Dự án Công viên tưởng niệm thiên đường Thanh Tước (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Thắng - TTXVN
Chiều 26/11, tại buổi họp Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết, quan tâm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm, UBND thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo thực hiện nghiêm việc quản lý trật tự xây dựng, kiểm soát chặt chẽ việc cải tạo, xây dựng thiết kế theo mẫu nhà điển hình và quy hoạch đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.

UBND thị xã Sơn Tây cũng thực hiện có hiệu quả việc tu bổ, tôn tạo di tích đình, điếm, giếng và nhà cổ, xây dựng kỹ thuật hạ tầng kỹ thuật khu cấp đất giãn dân với tổng số tiền lên đến hơn 117,976 tỉ đồng và các dự án dân sinh bức xúc khác trong khu vực Làng cổ Đường Lâm với số tiền trên 82,439 tỉ đồng. Ngoài ra, nhằm phát triển du lịch của thị xã Sơn Tây thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững, trong đó có phát triển du lịch Làng cổ Đường Lâm, UBND thị xã Sơn Tây đã tích cực xây dựng hồ sơ khoa học, khảo sát đánh giá thực trạng bảo tồn và đề ra phương án điều chỉnh khoanh vùng khu vực II của di tích Làng cổ Đường Lâm, từ đó trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt.

Đề cập đến hoạt động phát triển du lịch, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho biết thêm, thị xã Sơn Tây đã xây dựng Kế hoạch 309/KH-UBND về phát triển du lịch thị xã Sơn Tây giai đoạn 2017-2020. Theo đó, UBND thị xã Sơn Tây đang phối hợp với Tập đoàn T&T, các sở, ngành thành phố Hà Nội lập hồ sơ quy hoạch phân khu, trên cơ sở đó điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 thị xã Sơn Tây; điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 khu du lịch sinh thái, dịch vụ Hồ Xuân Khanh. Từ những hành động trên cho thấy, công tác phát triển sản phẩm du lịch, xây dựng điểm đến du lịch của thị xã Sơn Tây nói chung và Làng cổ Đường Lâm nói riêng đã và đang được chính quyền địa phương, các đơn vị, sở ngành quan tâm chú trọng.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí về việc bảo tồn làng cổ Đường Lâm, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng cho rằng, nhà ở là nguyên nhân chính dẫn đến những bức xúc. Mâu thuẫn chủ yếu xảy ra giữa việc bảo tồn gìn giữ được giá trị của nhà cổ với việc làm sao để đảm bảo sinh hoạt khi dân số gia tăng. Để hài hòa lợi ích của người dân và giữ gìn, bảo tồn làng cổ, thành phố Hà Nội và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã có những hướng dẫn, thiết kế mô hình mẫu để khi xây dựng, sửa chữa vẫn phù hợp với những nét truyền thống, không ảnh hưởng đến không gian của Làng cổ Đường Lâm.

Với những nỗ lực của chính quyền thành phố Hà Nội và thị xã Sơn Tây, những bức xúc của người dân đang từng bước được giải tỏa, trước hết là đảm bảo nơi sinh sống, người dân không phải ở trong những căn nhà xuống cấp. Tuy nhiên, ông Lê Đại Thăng cũng thẳng thắn nhận định, vẫn còn những trường hợp người dân tự ý xây dựng, sửa chữa không thông qua cơ quan chức năng hoặc đã xin phép nhưng không tuân thủ đúng quy định. Trước thực trạng trên, thị xã Sơn Tây đã lập danh sách những trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng. Trước mắt, Sơn Tây tuyên truyền, vận động động viên thuyết phục những hộ gia đình sai phạm tháo dỡ. Đối với những trường hợp không hợp tác thị xã Sơn Tây kiên quyết xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.

Với những nỗ lực xây dựng làng cổ Đường Lâm trở thành điểm du lịch đạt chuẩn, ngày 6/9/2019 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4581/QĐ - UBND công nhận Điểm du lịch Làng cổ Đường Lâm, đây chính là cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện quản lý và đầu tư xây dựng Điểm du lịch Làng cổ Đường Lâm phát triển bền vững và có hiệu quả hơn nữa trong tương lai./.

TTXVN/VNP


Top