Tin tức

Giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả và bền vững

Các chuyên gia phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Chanh Đa-CQTT tại Sóc Trăng
Ngày 17/9, Tổng cục Thủy sản phối hợp với tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo “Các giải pháp phát triển nuôi tôm nước lợ hiệu quả, bền vững”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, nuôi tôm là ngành nghề chủ lực, thế mạnh của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đạt được nhiều thành quả tích cực trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, nông dân đã ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, những mô hình hay, hiệu quả vào sản xuất, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và đưa ngành sản xuất tôm Việt Nam có một vị thế trên thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sản xuất tôm nước lợ cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là vấn đề môi trường, dịch bệnh. Đặc biệt, thời gian gần đây, một số nước xung quanh đã ghi nhận nhiều hình thái, dịch bệnh mới gây hại cho tôm. Vì vậy, rất cần có những dự báo thách thức mới cho ngành tôm nước ta, để có sự chủ động ứng phó trong thời gian tới, hướng đến sản xuất tôm bền vững, hiệu quả.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tính đến tháng 8 năm 2019, cả nước có hơn 689.000 ha tôm nước lợ thương phẩm được thả nuôi; trong đó, diện tích nuôi tôm sú là hơn 600.000 ha, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là gần 89.000 ha. Đến nay, sản lượng thu hoạch đạt trên 444.000 tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018.

Tại buổi hội thảo, Cục Thú Y cho biết, trong 8 tháng của năm nay, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại hơn 17.500 ha, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù, dịch bệnh trên tôm giảm cả về phạm vi lẫn diện tích, nhưng Cục Thú y nhận định rằng, nguy cơ dịch bệnh trong thời gian tới vẫn rất cao do các loại mầm bệnh nguy hiểm còn lưu hành nhiều ở các vùng nuôi, diện tích thiệt hại có thể sẽ tăng mạnh do các điều kiện bất lợi.

Ông Tiền Ngọc Tiên, Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y Vùng 7 cho biết, trong thời gian qua, các cơ quan chuyên ngành thú y, từ Trung ương đến địa phương  đã thực hiện các biện pháp nhằm tiến tới việc kiểm soát và giảm mức thiệt hại cho nông dân. Trên cơ sở những dữ liệu hiện có, trong thời gian tới, các cơ quan hữu quan sẽ tiếp tục khảo sát thực tế tại các hộ dân nuôi tôm để có những biện pháp hướng dẫn hiệu quả, kịp thời hơn với người nuôi tôm nói chung trong thời gian tới.

Dù tình hình dịch bệnh đang có dấu hiệu phát triển và có thể lây lan nhanh, mạnh và gây ảnh hưởng lớn đến người nuôi tôm, nhưng giá tôm nguyên liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung lại đang ở mức thấp. Cụ thể, giá dao động từ 80.000-95.000 đồng/kg đối với thẻ chân trắng loại 100 con/kg và từ 190.000-trên 200.000 đồng/kg đối với tôm sú loại 30 con/kg.

Nguyên nhân được cho là một số nước trong khu vực sản xuất tôm được mùa, giá thành sản xuất tại các nước thấp. Trong khi tại thị trường trong nước, giá thành sản xuất tôm nguyên liệu còn ở mức cao. Bên cạnh đó, một số nước siết chặt quản lý nhập khẩu, tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn thực thẩm và truy xuất nguồn gốc, trong khi nhiều doanh nghiệp của nước ta chủ quan, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng cho rằng, biến đổi khí hậu, những diễn biến phức tạp, thất thường của thời tiết sẽ là những nguyên nhân dễ gây ra dịch bệnh cho tôm nuôi. Do vậy, người nuôi cần theo dõi chặt chẽ để có những giải pháp kỹ thuật phù hợp. Đồng thời, thực hiện công tác đăng ký các đối tượng chủ lực để đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu.

Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm tôm theo hướng giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng để tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, đánh giá kết quả chương trình giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi và giới thiệu mô hình kỹ thuật, giải pháp phòng trị bệnh cho tôm... phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu tôm đạt mức 2,17 tỷ USD từ nay đến cuối năm 2019. /.

TTXVN/VNP

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ

Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ

Tối 30/11/2023 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân rời Ankara, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ, lên đường tới Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 28) và tiến hành các hoạt động song phương tại UAE.

Top