Tin tức

Đưa nghệ thuật âm nhạc dân tộc đến với giới trẻ

Tiết mục biểu diễn ca ra bộ “Bùi kiệm thi rớt trở về”. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN
Ngày 23/8, Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ thành phố tổ chức tọa đàm khoa học “Nghệ thuật âm nhạc dân tộc với giới trẻ và biểu diễn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Đây là dịp để các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên và thành viên các đội, nhóm âm nhạc truyền thống các trường đại học, cao đẳng, học viện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, định hướng âm nhạc, qua đó nhằm lan tỏa tình yêu nghệ thuật dân tộc đến thanh niên.

Theo Nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, âm nhạc dân tộc là âm nhạc của một quốc gia hay của một bộ tộc thuộc quốc gia đó. Âm nhạc có độ giác ngộ cao, nhanh hơn cả văn hóa tri thức hay có thể nói âm nhạc là loại hình nghệ thuật không biên giới. Cụ thể, với giai điệu hò, lý, cải lương… không chỉ làm say đắm người Việt Nam mà cả nhiều người Pháp, Mỹ, Canada, Nhật Bản... Trong đó, nhiều người từ yêu thích đến đam mê và đã tìm tòi nghiên cứu phát triển âm nhạc dân tộc Việt Nam. Ngược lại, giới trẻ Việt Nam cũng rất thích các thể loại nhạc của Thái Lan, Ấn Độ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản... dù không hiểu ca từ, lời hay nội dung bài hát.

"Như vậy, âm nhạc nói chung hay nhạc dân tộc nói riêng là món ăn tinh thần của mỗi người. Để nghe, hiểu được âm nhạc dân tộc cần tĩnh tâm mới thấy được giá trị của âm nhạc dân tộc. Hay nói đúng hơn âm nhạc phải mang lại sự hữu ích cho chính bản thân mình"- Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên chia sẻ.

Cùng quan điểm, nhạc sĩ Huỳnh Khải cho rằng, âm nhạc dân tộc có tính độc đáo riêng của từng vùng miền, cộng đồng của dân tộc để từ đó đóng góp chung vào bản sắc nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Thành công lớn nhất của dòng âm nhạc dân tộc ở phía Nam là loại hình Đờn ca tài tử. Sau thời gian thăng trầm, truyền cảm hứng cho người nghe, loại hình này đã được Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Liên hợp quốc công nhận là văn hóa phi vật thể.

Từ thực tiễn này có thể khẳng định giới trẻ Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng hiện nay không quay lưng với âm nhạc dân tộc mà do họ chưa hiểu ,  chưa nghe được, khó nghe, … Tuy nhiên, muốn bảo tồn phát huy nghệ thuật âm nhạc dân tộc thì giới trẻ trước hết phải có tri thức để biết, rồi đến yêu thích,  đam mê, tự tìm hiểu, khám phá và phát huy, bảo tồn âm nhạc dân tộc.

Nhạc sĩ Huỳnh Khải cho rằng, trước đây âm nhạc dân tộc duy trì và phát triển đến đỉnh cao là do nhiều gia đình có truyền thống văn hóa nghệ thuật, âm nhạc đi vào cuộc sống hàng ngày do công nghệ thông tin chưa phát triển, đặc biệt có nhiều người đam mê, rời xa gia đình để tìm thầy học nhạc. Vì thế, ngày nay, để duy trì và phát triển âm nhạc dân tộc cần thay đổi cách nhìn, cách làm từ những người quản lý, đến các văn nghệ sĩ và nhà kinh doanh; cần quan tâm, cải tổ đầu tư nội dung, hình thức biểu diễn phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, cần phải nắm bắt được "hơi thở của thời đại"...

Theo khảo sát năm 2019 của ông Hoàng Sơn Giang, học viên cao học Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh về sở thích âm nhạc của sinh viên thành phố hiện nay ở loại nhạc trẻ chiếm 63,5%; nhạc trữ tình, dân ca, bolero chiếm 42,8%; nhạc nước ngoài chiếm 40,1%; nhạc tiền chiến cách mạng chiếm 23,5% và thấp nhất là âm nhạc dân tộc (gồm tuồng, chèo, cải lương) chiếm 12,5%. Cũng theo ông Hoàng Sơn Giang, quan điểm của giới trẻ hiện nay cho rằng, các loại nhạc trẻ, trữ tình được cập nhật, phổ biến rất nhiều và rộng rãi tại các tụ điểm, sân khấu, ca nhạc, phòng trà; trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là phát thanh, truyền hình, đặc biệt là trên các trang mạng internet, youtube…

Đồng tình với khảo sát trên, em Trần Thị Bích Hòa, sinh viên năm thứ ba Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, các ca sĩ ở thể loại nhạc trữ tình, nhất là nhạc trẻ phần lớn là xinh đẹp, có cá tính, chất giọng lạ, cùng sở thích với giới trẻ. Bên cạnh đó, các ca sĩ này được đầu tư kỹ lưỡng từ hình thức, kiểu dáng; ứng dụng công nghệ 4.0 trong dựng phim, kỹ xảo điện ảnh, âm thanh, quảng cáo… nên thu hút được giới trẻ. Trần Thị Bích Hòa cũng cho biết thêm, em cùng nhiều sinh viên khác cũng yêu thích nhạc quê hương, các làn điệu hò, lý, tân cổ giao duyên… nhưng để tìm, xem được thể loại âm nhạc dân tộc này thì không nhiều so với nhạc trẻ.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng thảo luận về việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật âm nhạc dân tộc, nhất là đối với giới trẻ trong giai đoạn hiện nay; nghệ thuật cải lương tại Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập và phát triển…./.

TTXVN/VNP

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương!

“Tôi đã khóc, không chỉ là nỗi tiếc thương trước sự mất mát của đất nước, của dân tộc Việt Nam, mà còn là những giọt nước mắt hạnh phúc trước tình cảm sâu đậm của người dân thôn Lại Đà dành cho chúng tôi. Họ đã thay mặt người con ưu tú vừa nằm xuống đáp lại tình cảm của những người dân về đây dự lễ viếng”, chị Lương Ngọc Hà, dân tộc Tày, ở tỉnh Lào Cai rưng rưng cho biết.

Top