Tin tức

Định hướng phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Đỗ Trưởng-TTXVN
Ngày 17/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 17 mở rộng để thảo luận và thông qua chủ trương, định hướng phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030.

Hội nghị đã biểu quyết thống nhất chủ trương và định hướng phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030 theo hai giai đoạn 2020-2025 và 2025-2030, làm cơ sở để lập Đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế và xây dựng vùng lõi của đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương. Hội nghị thống nhất chủ trương xây dựng Bộ tiêu chí đô thị di sản để Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế có cơ sở báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung, sửa đổi tiêu chí phân loại đô thị tại Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016, trong đó có thể xem xét lấy tỉnh Thừa Thiên Huế làm mô hình điểm. Đồng thời, hội nghị thống nhất thông qua chủ trương xây dựng cơ chế chính sách đặc thù áp dụng tỉnh Thừa Thiên Huế là “Đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương”.

Theo tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2020-2025), tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng, phát triển không gian đô thị thành phố Huế hướng biển theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương, với quy mô khoảng 267 km2. Phạm vi nghiên cứu gồm khu vực thành phố Huế hiện hữu; thị xã Hương Thủy gồm các xã Thủy Vân, Thủy Bằng; thị xã Hương Trà gồm các phường, xã như Hương Hồ, Hương An, Hương Thọ, Hương Vinh, Hải Dương, Hương Phong; huyện Phú Vang gồm các xã, thị trấn như Thuận An, Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thanh. Giai đoạn 2 (2025-2030), trên cơ sở định hướng phát triển của giai đoạn 1, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục xây dựng, phát triển không gian đô thị theo định hướng của đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và quy hoạch chung thành phố Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với vùng lõi đô thị có quy mô khoảng 348 km2 gồm thành phố Huế mở rộng, đô thị Hương Thủy và đô thị Hương Trà.

Thành phố Huế hiện là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh, với dân số hơn 350.000 người nhưng diện tích chỉ có hơn 70 km2. Huế hiện có mật độ dân số cao, với trên 5.000 người/km2 (quy chuẩn là  2.000 người/km2). Hạ tầng xã hội ở khu vực trung tâm của thành phố đang bị quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết: Theo quy hoạch chung thành phố Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 649/QĐ-TTg năm 2014, không gian đô thị Huế được mở rộng theo quy mô 348 km2. Đây là cơ sở xây dựng vùng lõi đô thị để đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển đô thị chậm như hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế không đảm bảo các tiêu chí đô thị loại I nên cần có cơ chế đặc thù theo hướng xây dựng “Đô thị di sản - thành phố trực thuộc Trung ương”. Việc lập Đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 được chia ra làm 2 giai đoạn vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt mở rộng thành phố Huế và lâu dài đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, việc lập đề án xây dựng và phát triển đô thị Huế là vấn đề cấp thiết hiện nay. Đề án này là một bước cụ thể hóa đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. Đồng thời, thực hiện chủ trương mở rộng không gian phát triển đô thị Huế tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV./.

TTXVN/VNP

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương!

“Tôi đã khóc, không chỉ là nỗi tiếc thương trước sự mất mát của đất nước, của dân tộc Việt Nam, mà còn là những giọt nước mắt hạnh phúc trước tình cảm sâu đậm của người dân thôn Lại Đà dành cho chúng tôi. Họ đã thay mặt người con ưu tú vừa nằm xuống đáp lại tình cảm của những người dân về đây dự lễ viếng”, chị Lương Ngọc Hà, dân tộc Tày, ở tỉnh Lào Cai rưng rưng cho biết.

Top