Tin tức

Diễn đàn “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”

Một tiết mục văn nghệ biểu diễn tại diễn đàn. Ảnh: Phạm Minh Tuấn - TTXVN
Tối 1/11, tại tỉnh Vĩnh Long, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Long tổ chức diễn đàn “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết: Tình trạng bạo lực, lạm dụng đối với phụ nữ và trẻ em vẫn đang diễn ra, là vấn đề đáng báo động ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo một nghiên cứu toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới năm 2013 cho thấy, có 35% phụ nữ trên toàn thế giới đã từng bị bạo lực về thể chất hoặc tình dục. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ cuộc điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ năm 2010 cho thấy, có 58% phụ nữ cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng nạn nhân bị bạo lực cảm thấy xấu hổ hoặc phải chịu áp lực mà phải giữ im lặng hoặc không dám nói ra. Tiếng nói của nạn nhân bị bạo lực, bị xâm hại sẽ thiếu đi sức mạnh nếu không có sự giúp đỡ, chia sẻ từ người thân và của những người xung quanh. Bạo lực sẽ không thể chấm dứt nếu thiếu sự chung tay, cùng vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, diễn đàn nhằm giúp công nhân viên chức lao động có thêm kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho bản thân, các thành viên gia đình và tuyên truyền mọi người cùng chung tay thực hiện.

Tại diễn đàn, cán bộ công đoàn và công nhân lao động tỉnh Vĩnh Long đã được thông tin về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, nhất là thông điệp “Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái chính là biểu hiện của bất bình đẳng giới”, trong đó kêu gọi chung tay góp sức và hành động để làm thay đổi nhận thức, hành vi của những người xung quanh, của cộng đồng xã hội, cùng tạo dựng một môi trường sống văn minh, nơi mà bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em không còn tồn tại.

Bên cạnh đó, công nhân lao động cũng bày tỏ ý kiến và trao đổi tâm tư, nguyện vọng về công việc, gia đình, bình đẳng giới; chia sẻ những kiến thức, sự hiểu biết, những kinh nghiệm để tự bảo vệ mình, để xây dựng một gia đình hạnh phúc bền vững, hướng đến một xã hội không bạo lực./. 

TTXVN/VNP


Top