Tin tức

Dấu ấn sâu đậm về Bác của nguyên cán bộ lãnh đạo ở Quảng Đông (Trung Quốc)

Nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiều 18/5, tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), nhóm phóng viên TTXVN tại Hong Kong (Trung Quốc) đã may mắn có dịp trò chuyện với ông Hoàng Quần, nguyên Chủ tịch Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân tỉnh Quảng Đông, hiện đã bước qua tuổi 90, để lắng nghe ông chia sẻ những kỷ niệm về đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt quãng thời gian được làm phiên dịch trong các buổi gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các lãnh đạo Trung Quốc.
  Ông Hoàng Quần tặng cuốn sách "Hồ Chí Minh với Quảng Đông-Hong Kong" cho đại diện Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu. Ảnh: Mạc Luyện, phóng viên TTXVN tại Hồng Kông, Trung Quốc 
Ông Hoàng Quần sinh ra tại Quảng Đông. Năm 1938, khi lên 6 tuổi, ông theo mẹ đến Việt Nam, sinh sống tại Thái Nguyên và theo học tại trường Hoa kiều. Đầu năm 1947, ông tham gia Trung đoàn tự vệ chiến khu Việt Bắc, chính thức trở thành chiến sĩ ở tuổi 15, sau đó được điều về Ban Hoa kiều Trung ương để học nghiệp vụ cơ yếu. Đồng thời, ông cũng đảm nhận công việc thu nhận điện tín của Tân Hoa xã để cung cấp thông tin chiến sự cho lãnh đạo tham khảo, theo đó trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 1950, khi Việt Nam và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, do thông thạo tiếng Việt và am hiểu văn hóa hai nước, ông được chọn làm công tác phiên dịch và đã tham gia phiên dịch trong Đoàn Cố vấn do Trung Quốc cử sang để giúp đỡ Việt Nam từ năm 1953. Năm 1956, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai lần đầu tiên dẫn đầu phái đoàn Đảng và Chính phủ Trung Quốc sang thăm Việt Nam, ông đã vinh dự được phiên dịch cho đoàn.
   Trong những lần tham gia phiên dịch cho các cuộc gặp gỡ, làm việc giữa lãnh đạo hai nước, ông đã có nhiều cơ hội được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh và chứng kiến những cột mốc quan trọng trong quan hệ hai nước.
   Ông hồi tưởng lại những năm 1950-1954, thời kỳ Việt Nam kháng chiến chống Pháp, trong những lần hân hạnh được gặp Bác Hồ, ông cảm nhận thấy rất rõ sự quan tâm đến đời sống và công việc mà Hồ Chủ tịch dành cho đoàn Cố vấn. Dù trong những năm tháng vô cùng gian khổ thời kỳ chiến tranh hay trong thời kỳ xây dựng hòa bình, đối với những cố vấn, chuyên gia hay các nhân viên của Trung Quốc công tác ở Việt Nam, Bác Hồ luôn quan tâm rất tỉ mỉ từ công tác đến đời sống của mọi người. Cứ cách một thời gian hoặc vào những dịp lễ Tết, Bác Hồ đều đến thăm thân mật hoặc tặng quà Tết, có lần tặng thơ cho các bạn Trung Quốc. Bài thơ Tết năm 1952 Bác viết tạm dịch như sau:
   Muôn nhà câu đối đón xuân mới, 
   Pháo tết vang nổ tiễn năm qua. 
   Tặng quà hải sản một vài món, 
   Gọi là có món có rượu say.
Sau khi hòa bình lập lại, Đoàn Cố vấn về công tác ở Hà Nội, hàng tuần Hồ Chủ tịch thường mời các thành viên Đoàn Cố vấn vào Phủ Chủ tịch xem phim hoặc xem đoàn văn công của các nước đến biểu diễn.
   Thời điểm đó ông Hoàng Quần mới gần 20 tuổi, nên những ấn tượng mà Bác Hồ để lại trong ông dường như càng sâu sắc hơn, nhất là tính cách sâu sắc mà gần gũi, cởi mở mà dí dỏm của Người. Theo cảm nhận của ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh là thành viên cốt cán trong Quốc tế cộng sản, thấm nhuần Chủ nghĩa Marx–Lenin, tuy nhiên, không dập khuôn máy móc mà vận dụng rất linh hoạt sáng tạo vào thực tế cách mạng Việt Nam, trở thành nguyên nhân quan trọng cho thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam và công cuộc xây dựng đất nước sau đó. Đó cũng chính là nội dung, tinh thần quan trọng của Tư tưởng Hồ Chí Minh.
   Theo ông, trong cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, ngay những năm còn ở Pháp, Người đã quen các thanh niên tiến bộ của Trung Quốc như đồng chí Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân... Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chủ tịch có nhiều dịp về Trung Quốc, cùng hoạt động với các bạn Trung Quốc. Trong thời kỳ ở Quảng Châu, Hồ Chủ tịch đã tổ chức lớp huấn luyện cho thanh niên Việt Nam là Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Thời điểm đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng có nhiều hoạt động ở thành phố Quảng Châu, tổ chức lớp học về phong trào nông dân, nên Bác Hồ cũng chú trọng và tạo cơ hội để các học viên hai nước giao lưu, trao đổi học hỏi lẫn nhau.
   Trong cả quá trình hoạt động lâu dài như vậy, Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc có mối cảm tình sâu sắc, đồng thời người Trung Quốc cũng rất yêu mến Hồ Chủ tịch. Điều này được ông cảm nhận rõ trong thời kỳ công tác ở Bắc Kinh. Mỗi khi Hồ Chủ tịch đến thăm Bắc Kinh, các đồng chí lãnh đạo trong Bộ Chính trị Trung Quốc đều mời cơm Hồ Chủ tịch như những người thân trong nhà. Tình cảm đó rất đặc biệt, không dễ có trên thế giới, được hình thành trong quá trình cùng chiến đấu và xây dựng đất nước.
  Nhân dịp sinh nhật lần thứ 133 của Bác Hồ, ông Hoàng Quần xúc động chia sẻ Bác Hồ đã rời xa chúng ta đã hơn nửa thế kỷ, tình hình thế giới có nhiều biển đổi sâu sắc, song mối tình hữu nghị của nhân dân hai nước Trung-Việt do Bác Hồ cùng các vị lãnh đạo Trung Quốc đã xây dựng và vun đắp từ những năm cách mạng gian khổ vẫn duy trì cho đến ngày nay. Ông mong muốn những thế hệ sau cần tiếp tục phát huy truyền thống đó, tiếp tục đoàn kết chiến đấu, làm cho hai dân tộc hai nước Việt-Trung phát triển bền vững. 
   Năm 1958, trở về Trung Quốc, ông Hoàng Quần liên tiếp được bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng như Cục trưởng Cục hai Ban Liên lạc quốc tế - Ủy ban Trung ương Đảng (Trung Quốc), Giám đốc Sở ngoại vụ tỉnh Quảng Đông và Giám đốc Ủy ban Đối ngoại Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Quảng Đông. Trong quá trình công tác, ông đã có những đóng góp lớn cho công tác ngoại giao hữu nghị của Trung Quốc với Việt Nam, Lào, Campuchia.... Nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954-2014), ông là một trong những thành viên Đoàn Cố vấn Trung Quốc từng giúp đỡ Việt Nam và vinh dự được mời đến thăm lại Việt Nam.
   Sau khi về hưu, ông Hoàng Quần trở thành Chủ tịch Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, là một thành viên phái đoàn Trung Quốc của Diễn đàn Nhân dân Việt - Trung. Ngoài ra, ông còn trực tiếp tham gia biên tập và xuất bản sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Đông và Hong Kong” cùng nhiều sách khác…
   Năm 2019, ông vinh dự được Nhà nước Việt Nam trao tặng “Huân chương Hữu nghị” ghi nhận những đóng góp tích cực của ông trong việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc. 
   Đến nay, tuy đã ngoài 90, nhưng ông vẫn bận rộn hằng ngày với vai trò Cố vấn Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân tỉnh Quảng Đông và Tổng cố vấn, tham mưu cho Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc./. 

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN


Top