Giải đáp tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, xăng dầu là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng đang có biến động rất lớn về nguồn cung, khiến giá bị đẩy lên cao một phần do ảnh hưởng bởi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nguồn cung cấp xăng dầu sản xuất trong nước từ trước đang đáp ứng khoảng 70% như cầu, thậm chí có giai đoạn lên đến 80%, chủ yếu từ hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn (Nghi sơn đáp ứng từ 35 – 40% thị phần xăng dầu Việt Nam, còn lại khoảng 30% là nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn).
Tuy nhiên, do khó khăn về tài chính của nhà máy Nghi Sơn nên ngay từ đầu tháng 1/2022 công suất của nhà máy giảm xuống 90%, sau đó xuống 80%, và giờ chỉ còn khoảng 60%, nên việc giao hàng cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu giảm mạnh so với thỏa thuận. Nguồn cung của nhà máy Nghi Sơn chỉ đạt 43% và trong tháng 3 theo kế hoạch giao khoảng 680 nghìn khối nhưng dự kiến chỉ có thể giao được khoảng 80%. Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dù đã được chỉ đạo tăng công suất lên để bù lại khó khăn của nhà máy Nghi Sơn, tuy nhiên vẫn chưa đủ bù đắp lượng cung thiếu hụt do Nghi Sơn giảm công suất. Tình trạng này cũng khiến cho một số nơi thiếu xăng dầu cục bộ.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đảm bảo việc đáp ứng nhu cầu sử dụng xăng dầu cho người dân. Hiện ở miền Bắc và miền Trung không thiếu nhưng một vài tỉnh ở phía Nam, gần biên giới có xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ. Chính vì vậy, ngay từ đầu tháng 1/2022, Bộ Công Thương đã họp và giao cho 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu có thị phần lớn nhất để nhập khẩu xăng dầu, bù đắp vào lượng thiếu hụt. Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng đã cam kết sang đầu tháng 4 sẽ đảm bảo sản xuất đạt 100% công suất để cung ứng cho thị trường nội địa.
Đảm bảo từ quý 2/2022, kể cả nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn không đáp ứng được nguồn cung theo cam kết, thì việc đáp ứng xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân vẫn được đảm bảo.
Lý giải về việc giá xăng dầu tăng rất mạnh cũng như đưa ra kế hoạch cho việc điều chỉnh giá xăng dầu, Thứ trưởng cho biết, hiện giá xăng dầu thế giới đang tăng rất mạnh và sẽ còn tiếp tục tăng. Theo quy định trước đây, 15 ngày sẽ điều chỉnh giá xăng dầu 1 lần, nhưng hiện nay đã giảm xuống là 10 ngày, tuy nhiên có quy định nếu giá xăng dầu có biến động bất thường ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống của người dân thì Bộ Công Thương và Bộ Tài chính phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép được quyết định có điều chỉnh giá hay không và điều chỉnh thế nào. Vì vậy, sắp tới, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ ngồi lại bàn với nhau xem có cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc này hay không.
Trả lời về việc điều chỉnh giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam về dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn.
Theo dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất, giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít xăng (trừ etanol), từ 4.000 đồng/lít xuống 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 500 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.500 đồng/lít; dầu hỏa giảm 500 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống 500 đồng/lít. Cùng với đó, mỡ nhờn giảm 500 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.500 đồng/kg.
Đánh giá về tác động của dự thảo Nghị quyết khi có hiệu lực đến giá xăng, dầu trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết với việc giảm thuế 1.000 đồng, giá bán lẻ xăng sẽ giảm tương ứng 1.100 đồng/lít. Với dầu diesel, mazut, dầu nhờn và dầu hoả khi giảm thuế 500 đồng/lít, giá bán lẻ giảm tương ứng 550 đồng/lít. Tương tự với mỡ nhờn, giá bán lẻ cũng sẽ giảm 550 đồng/kg.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng cho biết nếu Nghị quyết có hiệu lực từ 1/4/2022 cho hết năm nay, kết hợp giá bán lẻ xăng dầu trong nước ổn định như thời điểm hiện tại trong 9 tháng còn lại, tác động của việc giảm thuế sẽ giúp giảm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 khoảng 0,6 - 0,7%. Bên cạnh đó, việc giảm thuế còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, cũng như tiết kiệm chi tiêu cho người dân.
Về chương trình phục hồi kinh tế xã hội cũng như các giải pháp tiền tệ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo Chính phủ trên cơ sở tổng hợp của các bộ, ngành và địa phương có liên quan tại cuộc họp Chính phủ sáng 3/3.
Theo Thứ trưởng, việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, cơ bản các bộ, ngành, địa phương đã đáp ứng yêu cầu về mặt tiến độ. Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn chủ yếu tập trung ở phần đầu tư công do liên quan đến rất nhiều các dự án cũng như các trình tự phê duyệt, và phụ thuộc nhiều vào các bộ, ngành, địa phương.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đã xin ý kiến Chính phủ chỉ đạo trong thời gian tới bộ, ngành, địa phương nào tập hợp xong trước thì trình trước, như vậy mới đảm bảo về mặt tiến độ. Trên cơ sở đó, sau khi có ý kiến của Chính phủ, có Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ có dự kiến tiến độ triển khai trong thời gian sắp tới.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, việc triển khai gói đầu tư công sẽ phải trình các cấp có thẩm quyền xem xét thông qua và dự kiến khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 là có thể thực hiện.../.