Tin tức

Đại hội Các hãng thông tấn Toàn thế giới kết thúc các phiên thảo luận

Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh dự phiên thảo luận. Ảnh: Ngọc Biên - TTXVN
 
Chiều 14/6 (theo giờ địa phương), Đại hội Các hãng thông tấn Toàn thế giới (NAWC) lần thứ 6 đã tiến hành phiên thảo luận cuối cùng trong tổng số 4 phiên lần lượt về các chủ đề: Mô hình sở hữu các hãng thông tấn; Các nguồn thu nhập mới; Tin tức giả; Trí tuệ nhân tạo. Đề cập tới hàng loạt xu hướng, thách thức và cơ hội đối với các hãng thông tấn, các diễn giả và đại biểu tham dự nhấn mạnh điểm cốt yếu là vai trò điểm tựa cho niềm tin của báo chí chính thống.

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Clive Marshall (Clai Mác-san), Giám đốc điều hành của Press Association (PA - Anh) cho rằng các hãng thông tấn hiện đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trong việc bảo vệ tin tức chính thống. Thách thức ngày càng gia tăng do sự sụt giảm doanh số do thị hiếu của công chúng đối với truyền thông xã hội gia tăng.

Chủ tịch hãng thông tấn AZERTAC (Azerbaijan), đồng thời là Chủ tịch NAWC, ông Aslan Aslanov (A-xlan A-xla-nốp) nhận định những công nghệ mới và môi trường thay đổi nhanh chóng đang tác động lớn tới sự phát triển của báo chí. Sự bùng nổ của truyền thông xã hội và các sản phẩm tin tức trực tuyến đặt ra hàng loạt thách thức, trong đó có nạn tin tức giả. Ông Aslanov tin rằng tương lai của tin tức “nằm trong tay” các hãng thông tấn.

Đề cập tới những vấn đề và thách thức đối với truyền thông hiện đại, Giám đốc điều hành hãng tin DPA (Đức), đồng thời là Chủ tịch Liên minh các hãng thông tấn châu Âu (EANA), ông Peter Kropsch (Pi-tơ Crốp-sơ) nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, nhà nước có vai trò quan trọng nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi và khung pháp lý cho báo chí hoạt động. Theo ông, nhà nước có thể tạo cơ hội công bằng và hỗ trợ hợp pháp để báo chí của quốc gia mình cạnh tranh công bằng với những hãng công nghệ lớn như Google và Facebook.

Về phần mình, Giám đốc Viện nghiên cứu báo chí của Reuters, ông Rasmus Nielsen (Ra-xmút Nin-xen) dẫn kết quả nghiên cứu của viện này công bố ngày 12/6 cho thấy nạn tin tức giả khiến cho công chúng ngày càng mất lòng tin vào các mạng xã hội. Cũng chính điều này đang đưa mọi người quay trở lại với các hãng tin đã tạo dựng được hình ảnh.
Với 4 phiên thảo luận trong hai ngày 13-14/6, các diễn giả và đại biểu tham dự đã cùng nhau chỉ ra những xu hướng, thách thức và cơ hội ở cấp độ toàn cầu đối với các hãng thông tấn. Bên cạnh đó, giải pháp cho những thách thức đối với báo chí hiện nay như đa dạng hóa các nguồn thu nhập, xây dựng mô hình sở hữu hiệu quả, đề ra quy trình nhằm chống nạn tin tức giả và áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo cũng được nêu ra để thảo luận. Có nhiều quan điểm khác nhau, cả tương đồng lẫn trái ngược, song mục tiêu hướng tới là nhằm đảm bảo vai trò của báo chí chính thống trong việc cung cấp thông tin nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác và nhân văn.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên hãng thông tấn Bulgaria (BTA) về những thách thức đối với báo chí chính thống hiện nay, Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội đang cuốn báo chí vào cuộc chạy đua về tốc độ mà đôi lúc quên đi những yêu cầu cốt lõi là thẩm định thông tin đồng thời đảm bảo tính công bằng và cân bằng của tin tức. Mạng xã hội cũng góp phần tạo nên cuộc khủng hoảng tin giả tràn lan toàn cầu, làm nhiễu loạn thông tin và làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí nói chung.
Ông Lê Quốc Minh cũng nói đến khó khăn của các cơ quan báo chí khi doanh thu quảng cáo sụt giảm. Và để duy trì nội dung chất lượng cao, các cơ quan báo chí giờ đây phải tìm cách đa dạng hóa nguồn thu, coi nguồn thu từ độc giả như là mô hình kinh doanh bền vững, bên cạnh việc thúc đẩy quảng cáo hoặc nội dung có tài trợ, đồng thời tìm kiếm nhiều cách thức khác kể cả những dịch vụ phi báo chí như thương mại điện tử, dịch vụ dữ liệu hoặc công nghệ thông tin... Nhưng điều sống còn đối với báo chí chính thống hiện nay, theo Phó Tổng Giám đốc TTXVN, là phải giành lại niềm tin của công chúng.

NAWC lần thứ 6 tại Sofia quy tụ hơn 200 đại biểu đến từ hơn 100 tổ chức truyền thông báo chí, trường đại học, viện nghiên cứu và các hãng thông tấn lớn của gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cùng với TTXVN, các hãng thông tấn lớn như Reuters, AFP, AP, Kyodo, Tân Hoa xã... đều cử đại diện tham dự. Đại hội diễn ra trong 2 ngày 13-14/6 với lịch trình làm việc dày đặc. Sau lễ khai mạc, các đại biểu tham dự 4 phiên thảo luận về các chủ đề: Mô hình sở hữu các hãng thông tấn; Các nguồn thu nhập mới; Tin tức giả; Trí tuệ nhân tạo.

NAWC được tổ chức lần đầu theo sáng kiến của hãng thông tấn TASS (Nga) ở Moskva vào tháng 9/2004. Các đại hội tiếp theo diễn ra lần lượt tại Tây Ban Nha (2007), Argentina (2010), Saudi Arabia (2013) và Azerbaijan (2016). Quy mô tổ chức và thành phần tham dự ngày càng lớn đã chứng tỏ sức thu hút cũng như uy tín của NAWC./.

TTXVN/VNP


Top