Tin tức

Công bố 100 doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam năm 2020

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các đại biểu chụp ảnh chung cùng các doanh nghiệp được vinh danh. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN
Tối 10/12, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự Lễ công bố Doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam năm 2020.

Chương trình do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trưởng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, nhằm khuyến khích, biểu dương các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác phát triển bền vững năm 2020.

Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam khẳng định, ngay từ sớm, VCCI hướng đến xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững, thông qua các chương trình hành động, hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, thành lập Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam năm 2010. Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam là tổ chức quy tụ, định hướng doanh nghiệp, tổ chức xã hội uy tín ở Việt Nam tiên phong trong thực hiện phát triển bền vững. Không chỉ là 1 trong 69 đối tác thuộc Mạng lưới toàn cầu của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam còn là cầu nối tăng cường phối hợp chặt chẽ trong hoạt động đối thoại, kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ và các đối tác trong xã hội để đẩy mạnh phát triển bền vững.

Sau khi Liên hợp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2015, VCCI giới thiệu rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp Bộ chỉ số Doanh nghiệp phát triển bền vững (Bộ chỉ số CSI) và Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững vào năm 2016. Bước sang năm thứ 5 triển khai, chương trình năm 2020 nhận được sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực biệt quy mô và thành phần kinh tế khác nhau.

Cùng với sự hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, Chính phủ ghi nhận những tác động hiệu quả trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay. Cụ thể, một số chính sách quan trọng của Chính phủ về phát triển bền vững được công bố như Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 20/5/2019; Quyết định số 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 về Phê duyệt Kế hoạch Phát triển bền vững khu vực doanh nghiệp tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Nghị quyết 136/NQ-TTg ngày 25/9/2020... đều lồng ghép yêu cầu tiếp tục thực hiện chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững và nhân rộng áp dụng Bộ chỉ số CSI của VCCI trong cộng đồng doanh nghiệp.

Để Bộ chỉ số CSI có thể đến gần và hỗ trợ hữu hiệu cho các doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, VCCI đang nghiên cứu xây dựng thêm các phiên bản điều chỉnh của Bộ chỉ số CSI dành riêng cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp lớn ở quốc gia đang phát triển.

Trước bối cảnh nhiều cơ hội xen lẫn những khó khăn, thách thức, để tăng cường khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất thay đổi tư duy kinh doanh theo hướng phát triển bền vững; nghiên cứu và áp dụng Bộ chỉ số CSI trong quản trị doanh nghiệp; lan rộng Bộ chỉ số đến các doanh nghiệp trong mạng lưới đối tác.

“Mỗi doanh nghiệp đều có thể tạo ra những SDGs cho riêng mình, theo công thức: S - strategy (chiến lược), D - determination (quyết tâm), G - governance (quản trị) hay S - strength (điểm mạnh), D - difference (khác biệt), G - growth (tăng trưởng)... nhằm “biến thách thức thành cơ hội”, tạo sức cạnh tranh, giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững”, Chủ tịch VCCI nêu rõ.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc trao hoa chúc mừng 100 doanh nghiệp xuất sắc trong sự nghiệp phát triển bền vững ở Việt Nam năm 2020./.

TTXVN/VNP

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương!

“Tôi đã khóc, không chỉ là nỗi tiếc thương trước sự mất mát của đất nước, của dân tộc Việt Nam, mà còn là những giọt nước mắt hạnh phúc trước tình cảm sâu đậm của người dân thôn Lại Đà dành cho chúng tôi. Họ đã thay mặt người con ưu tú vừa nằm xuống đáp lại tình cảm của những người dân về đây dự lễ viếng”, chị Lương Ngọc Hà, dân tộc Tày, ở tỉnh Lào Cai rưng rưng cho biết.

Top