Tin tức

Cơ hội tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Italy

Trong các ngày 17-18/10, Khóa họp lần thứ VIII của Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế Việt Nam-Italy đã được tổ chức tại trụ sở Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Italy ở thủ đô Rome, dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân và, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao & Hợp tác Quốc tế Italy, bà Maria Tripodi.
  Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân và Quốc vụ khanh Maria Tripodi trao đổi Biên bản khóa họp. Ảnh: Thanh Hải-PV TTXVN tại Italy  
Các đại biểu tham dự Khóa họp lần thứ VIII Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế Việt Nam - Italy. Các đại biểu tham dự Khóa họp lần thứ VIII Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế Việt Nam - Italy. Ảnh: Thanh Hải-PV TTXVN tại Italy
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, tham dự khóa họp phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Italy Dương Hải Hưng, đại diện các đơn vị chức năng liên quan của Bộ Công Thương; đại diện các bộ ngành của Việt Nam và một số hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam. Phía Italy có sự tham dự của đoàn công tác thuộc Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Italy; các bộ ngành liên quan và các hiệp hội, doanh nghiệp Italy.
            Trong thời gian làm việc, hai bên đã cùng nhau trao đổi, nhìn nhận, đánh giá lại các nội dung hợp tác kinh tế, thương mại chính, cụ thể trong lĩnh vực thương mại, năng lượng, nông nghiệp, máy móc công nghiệp, dệt may, da giày, khai thác đá... ; đề xuất và thống nhất các kế hoạch cần thực hiện trong thời gian tới nhằm thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng trưởng trở lại sau thời gian gián đoạn tăng trưởng kể từ đầu năm đến nay, đồng thời tận dụng những lợi ích mà Hiệp định EVFTA mang lại, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế  giữa hai nước lên tầm cao mới theo nội dung tuyên bố chung của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Italy vào tháng 7/2023.
            Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Italy đang ngày càng được củng cố và phát triển. Phía Việt Nam ghi nhận sự quan tâm dành cho Việt Nam trong chính sách hợp tác phát triển của Cộng hoà Italy trong thời gian qua.
            Quốc vụ khanh Mari Tripodi nhìn nhận Việt Nam đang được xem là "điểm sáng" về tăng trưởng kinh tế, khi tốc độ tăng trưởng, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng như thu hút đầu tư nước ngoài đều ở mức cao, mặc dù Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng của việc đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như sụt giảm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên toàn cầu do tình hình địa chính trị phức tạp trên thế giới.
            Kết thúc khóa họp, hai bên đã ký kết Biên bản Khóa họp lần thứ VIII, Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao & Hợp tác Quốc tế Italy và thống nhất Khoá họp lần thứ IX của Uỷ ban hỗn hợp sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2024.
            Chiều 18/10, phát biểu khai mạc Hội nghị “Hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam – Italy với trọng tâm là đầu tư bền vững và năng lượng mới”, được Đại sứ quán Việt Nam tổ chức nhân dịp Khóa họp lần thứ VIII của Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, Đại sứ Dương Hải Hưng nhấn mạnh đây là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thiết thực và đúng thời điểm; là cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ thông tin, quan điểm, chiến lược, tăng cường, thúc đẩy kết nối hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với Italy, với trọng tâm đầu tư bền vững và năng lượng mới, từ đó cùng nhau giải quyết những thách thức lớn trong phát triển bền vững và tạo nên những giá trị, lợi ích tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên, góp phần khai thác tối đa tiềm năng hợp tác cùng có lợi còn rất lớn giữa hai bên.
            Trong khi đó, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh Việt Nam đang được các tập đoàn kinh tế trên thế giới nhìn nhận là trung tâm mới nổi lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Quan hệ đầu tư, thương mại Việt Nam-Italy đã có những bước phát triển ấn tượng và hoàn toàn có khả năng đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 7 tỷ USD nhờ cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu 2 nước mang tính bổ trợ cho nhau, không cạnh tranh trực tiếp; nhờ EVFTA, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng 21,1% năm 2021 và 11% năm 2022; nhờ vị trí chiến lược của hai nước ở những khu vực kinh tế quan trọng của châu Á và châu Âu, giúp hai nước trở thành cầu nối giữa hai khu vực kinh tế năng động nhất của thế giới; và do dư địa tăng trưởng cho thương mại hai bên còn rất lớn.
            Về phần mình, bà Michal Ron, phụ trách mảng kinh doanh quốc tế của Tập đoàn bảo hiểm tín dụng (SACE), chuyên hỗ trợ khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Italy trên phạm vi toàn cầu thông qua các công cụ và giải pháp tài chính - bảo hiểm, cho biết Việt Nam nằm trong danh sách ưu tiên của tổ chức này. SACE đã xây dựng chiến lược thúc đẩy, bảo lãnh để doanh nghiệp Việt Nam được SACE lựa chọn có thể tiếp cận vốn vay ưu đãi ngân hàng không kèm điều kiện mang tính ràng buộc. Bù lại, doanh nghiệp được lựa chọn sẽ thường xuyên thông báo về kết quả hoạt động và cam kết tham gia các sự kiện kết nối với các doanh nghiệp Italy do SACE tổ chức. Hiện danh mục các doanh nghiệp Việt Nam được đưa vào danh sách ưu tiên bảo lãnh tiềm năng của SACE tương đối đa dạng trong các lĩnh vực thực phẩm đồ uống, năng lượng, cơ khí, với số vốn bảo lãnh lên tới 1,3 tỷ euro. Ngoài hoạt động bảo lãnh tài chính, SACE cũng tăng cường triển khai một số hoạt động kết nối thị trường cho các doanh nghiệp.
            Khóa họp Ủy ban hỗn hợp năm nay là sự kiện quan trọng nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược nhằm tăng cường thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại./.

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN

Chìa khóa giúp Việt Nam phát triển điện hạt nhân

"Chìa khóa" giúp Việt Nam phát triển điện hạt nhân

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại London về tình hình phát triển điện hạt nhân tại châu Âu, chuyên gia Bùi Nguyễn Hoàng, kỹ sư, điều phối thiết kế công trình, dự án EPR2 thuộc Tập đoàn điện lực Pháp (EDF), cho biết từ sau đại dịch COVID-19 và đặc biệt khủng hoảng khí đốt do xung đột tại Ukraine, nhiều nước châu Âu đã coi điện hạt nhân là nguồn năng lượng sạch giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng giá rẻ, đảm bảo an ninh năng lượng và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Top