Tin tức

Cơ hội quảng bá hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tại Italy

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, trong khuôn khổ Hội chợ Quốc tế Thủ công mỹ nghệ MIDA 2023, diễn ra trong các ngày 25/4 - 1/5 tại Trung tâm Triển lãm Fiera thành phố Florence (Italy), Đại sứ quán Việt Nam tại Italy và Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam đã phối hợp tổ chức Diễn đàn “Thủ công mỹ nghệ Việt Nam - nơi bạn nhìn thấy cơ hội”, với sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng Thủ công mỹ nghệ (TCMN) châu Âu, bà Elisa Guidi, Chủ tịch Liên đoàn TCMN Florence, ông Alessandro Sorani và các chuyên gia ngành TCMN, các đối tác và khách hàng Italy.
  Khách tham quan các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tại hội chợ. Ảnh: Trường Dụy,Thanh Hải - TTXVN

Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Dương Phương Thảo, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, cho biết các sản phẩm TCMN của Việt Nam đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, thiết kế, đến từ nhiều vùng miền có đặc trưng văn hóa khác biệt, được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên, khai thai bền vững tại chỗ, hoàn thiện bởi các nghệ nhân tài hoa, được đón nhận với nhu cầu cao trên thị trường quốc tế.  Các sản phẩm TCMN của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn thứ hai sau Mỹ.
          Tại thị trường Italy, các sản phẩm TCMN của Việt Nam đang ngày càng được quan tâm, với kim ngạch một số nhóm hàng tăng trưởng hai con số như sản phẩm mây tre, cói, thảm.
          Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, Phó Cục trưởng, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về ngành TCMN của Việt Nam, nhấn mạnh rằng hàng TCMN Việt Nam không chỉ là một khu vực sản xuất có những đóng góp quan trọng trong việc tạo ra thu nhập, việc làm cho người dân nông thôn, mà còn là một ngành mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
          Chia sẻ tại Diễn đàn, Chủ tịch Hội đồng TCMN châu Âu, bà Elisa Guidi cho rằng xu hướng phát triển xanh của châu Âu là cơ hội lớn cho các sản phẩm TCMN, nhận được tài trợ của châu Âu về phát triển bền vững. Một trong những thách thức của ngành TCMN là vừa phải bảo tồn những di sản, duy trì giá trị văn hóa dân tộc mà vẫn phát triển mẫu mã, thiết kế mang tính đương đại, bắt kịp xu thế tiêu dùng thế giới, đặc biệt nhu cầu của thế hệ trẻ. Để phát triển hơn nữa, ngành TCMN của Việt Nam cần có các biện pháp truyền thông để người tiêu dùng hiểu đằng sau mỗi sản phẩm là một câu chuyện nghệ thuật của người nghệ nhân và để giới trẻ lựa chọn TCMN là một lĩnh vực hướng nghiệp trong tương lai.
          Chủ tịch Liên đoàn TCMN Florence, ông Alessandro Sorani nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển TCMN kết hợp với các hoạt động văn hóa và du lịch ở mỗi vùng địa phương để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm. Xu hướng tiêu dùng hàng TCMN đang gia tăng do người tiêu dùng rất quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm, nguyên liệu sản phẩm có làm tổn hại môi trường hay không và người lao động có được trả lương công bằng không.
          Các chuyên gia TCMN Italy nhấn mạnh TCMN không chỉ là một ngành kinh tế, mà còn là một lĩnh vực văn hóa, giúp bảo tồn, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống, và có thể kết hợp để trở thành một ngành gắn kết với du lịch. Ngành TCMN của Việt Nam chứa đựng đầy đủ các yếu tố quan trọng để thành công hơn nữa, và để tiếp tục phát huy cần phát triển ngành dựa trên ba giá trị cốt lõi là đảm bảo tính đương đại, tính bền vững và tính bản sắc, đáp ứng được thị hiếu riêng biệt của các thị trường mục tiêu.

  Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Italy và Bộ NN&PTNT thăm cơ sở sản xuất gốm sứ truyền thống của địa phương. Ảnh: Trường Dụy,Thanh Hải - TTXVN

        Hội chợ Quốc tế Thủ công mỹ nghệ MIDA 2023 được tổ chức thường niên, với diện tích trưng bày khoảng 55.000 m2, và năm 2023 có khoảng hơn 500 đơn vị tham gia, trong đó hơn một nửa đến từ trên 50 nước trên thế giới.
          Khu gian hàng Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNN tổ chức với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ tiêu biểu độc đáo của Việt Nam, là điểm nhấn thu hút khách tham quan và đối tác ngay trong ngày đầu khai mạc. Ngoài việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trực tiếp, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội gặp gỡ các doanh nghiệp có nhu cầu tìm nguồn nguyên liệu và sản phẩm. Đây cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp tham dự Hội chợ học hỏi và tìm kiếm khách hàng mới, ký kết hợp đồng xuất khẩu sản phẩm, phát triển kênh phân phối, mở rộng thị phần vào thị trường Italy và châu Âu đầy tiềm năng./.

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN


Top