Tin tức
Chuyên gia Malaysia đề cao tinh thần chủ động của Việt Nam qua Diễn đàn tương lai ASEAN 2025
AFF là một nền tảng bổ trợ quan trọng cho các cơ chế chính thức của ASEAN và Hội nghị cấp cao ASEAN, giúp tăng cường sự tham gia của cả chính phủ lẫn các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Thông qua AFF, các chính phủ có thể trình bày và phổ biến các chính sách chiến lược đến công chúng; đánh giá phản ứng và nhu cầu từ các bên liên quan, bao gồm người dân, doanh nghiệp và tổ chức xã hội; xác định những thách thức và điểm dễ bị tổn thương của khu vực, từ đó có giải pháp phù hợp.
Với tư cách Chủ tịch ASEAN 2025, Thủ tướng Anwar Ibrahim tham dự AFF để tái khẳng định cam kết của Malaysia trong việc định hướng một ASEAN đoàn kết, thích ứng và phát triển bền vững.
Theo chuyên gia Collins Chong Yew Keat, việc Việt Nam lần thứ hai tổ chức AFF là minh chứng cho uy tín và năng lực lãnh đạo ngày càng tăng của Việt Nam trong các vấn đề khu vực. Điều này cũng thể hiện sự thống nhất trong nội bộ ASEAN, cũng như tinh thần chủ động của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức chung, thay vì chỉ phụ thuộc vào nước Chủ tịch ASEAN đương nhiệm.
Chuyên gia Collins đánh giá AFF là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho Chủ tịch ASEAN, giúp điều hướng những thách thức mới và định hình sự cân bằng quyền lực trong khu vực so với những vai trò truyền thống trước đây. Ngoài ra, AFF còn mang một ý nghĩa chiến lược khi tạo ra nền tảng để Việt Nam khẳng định vị thế lãnh đạo khu vực, tương tự như tầm quan trọng của Đối thoại Shangri-La đối với an ninh châu Á. Sự kiện này được coi là một bước đi mang tính biểu tượng, thể hiện bản sắc “ngoại giao cây tre” của Việt Nam - linh hoạt, mềm dẻo nhưng kiên cường, đồng thời truyền tải thông điệp về mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước, bao gồm cả các cường quốc.
Kết luận về ý nghĩa của AFF, chuyên gia Collins khẳng định rằng sự kiện này phản ánh cả sức mạnh mềm và sức mạnh cứng đang gia tăng của Việt Nam, góp phần nâng cao vai trò và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Việc Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tham dự AFF tại Hà Nội không chỉ thể hiện cam kết của Malaysia đối với hợp tác khu vực, mà còn nhấn mạnh mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Việt Nam. Theo chuyên gia Collins Chong Yew Keat, sự kiện này mang ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh quan hệ song phương giữa hai nước đang ngày càng sâu sắc, đặc biệt sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia vào tháng 11/2024.
Thủ tướng Anwar mong muốn thông qua diễn đàn này để củng cố quan hệ song phương với Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư và thể hiện sự hợp lực lớn hơn trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN, tập trung vào các vấn đề cốt lõi như hội nhập kinh tế - thương mại với bên ngoài và thúc đẩy giao thương nội khối.
Bên cạnh đó, sự tham gia tích cực của Malaysia vào diễn đàn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp về một ASEAN đoàn kết và bao trùm, tạo sự kết nối giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội; thúc đẩy ngoại giao đa phương, tạo điều kiện để các bên liên quan tham gia các chủ đề quan trọng của ASEAN 2025.
Là Chủ tịch ASEAN năm 2025, Malaysia mong muốn tận dụng AFF như một nền tảng chiến lược để thu hút sự tham gia rộng rãi, tạo động lực tăng cường gắn kết khu vực và hỗ trợ điều phối các thách thức khu vực. Điều này giúp Malaysia tối ưu hóa vai trò lãnh đạo ASEAN, hướng tới một khu vực ổn định, phát triển và kết nối chặt chẽ hơn.
Chuyên gia Collins Chong Yew Keat nhấn mạnh rằng tác động từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đặt ra thách thức lớn đối với Malaysia trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2025. Việc điều chỉnh chính sách của Mỹ có thể ảnh hưởng đến cán cân quyền lực khu vực, đặc biệt trong bối cảnh ASEAN đang tìm kiếm sự ổn định và gắn kết nội khối. Malaysia sẽ cần tăng cường đoàn kết ASEAN và xây dựng khả năng thích ứng, nhằm giảm thiểu những tác động từ các chính sách mới của Mỹ đối với khu vực.
Theo chuyên gia Collins Chong Yew Keat, AFF sẽ là một nền tảng quan trọng để định hình tương lai khu vực, giúp các nước ASEAN dự đoán những rủi ro và thách thức, từ đó xây dựng kế hoạch chiến lược phù hợp. Kết quả của diễn đàn sẽ bổ sung vào việc phát triển Kế hoạch chiến lược cho Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Malaysia mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để thúc đẩy sự bao trùm, bền vững và khả năng chống chịu của ASEAN trước những biến động địa chính trị và kinh tế toàn cầu./.