Phát biểu tại phiên khai mạc diễn đàn, bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng Thư ký LHQ kiêm Thư ký điều hành ESCAP nhấn mạnh: “Các cuộc khủng hoảng gần đây đã dẫn đến những cú sốc về kinh tế, giá năng lượng tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng, tất cả đều đe dọa tiến trình chuyển đổi năng lượng và rộng hơn là sự phát triển bền vững”. Bà Armida lưu ý thêm rằng những vấn đề này nhắc nhở về sự cần thiết phải xem xét khả năng phục hồi và an ninh năng lượng bên cạnh tính bền vững. Đối với lĩnh vực năng lượng, theo đuổi sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, tiếp cận phổ cập năng lượng hiện đại và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo là những chiến lược có thể giúp vượt qua những cú sốc này và phục hồi tốt hơn.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Năng lượng Thái Lan Pirapan Salirathavibhaga khẳng định năng lượng phải dễ tiếp cận hơn và có giá cả phải chăng hơn đối với các cộng đồng chịu thiệt thòi.
Thừa uỷ quyền của lãnh đạo Bộ Công Thương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thái Lan Lê Hữu Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự APEF 2023 và có bài phát biểu tại phiên khai mạc diễn đàn.
Trong bài phát biểu, ông Lê Hữu Phúc khẳng định việc chuyển đổi năng lượng từ năng lượng hoá thạch sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là xu thế tất yếu trên thế giới để đối phó với biến đổi khí hậu. Là một trong 5 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu trên thế giới do đường bờ biển dài, nhiều khu vực có nền thấp và khí hậu nóng, Việt Nam phải đối mặt với những rủi ro cao từ mực nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán và các sự kiện thời tiết khắc nghiệt khác đe dọa sự phát triển kinh tế - xã hội và tính bền vững của môi trường. Chính phủ Việt Nam đã chủ động xây dựng, triển khai sớm nhiều chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu trên nhiều lĩnh vực, trong đó lĩnh vực năng lượng được đặc biệt chú trọng.
Hiện nay, năng lượng là nguồn phát thải carbon lớn nhất của Việt Nam. Do đó, thành công của quá trình chuyển dịch năng lượng là yếu tố quan trọng bậc nhất quyết định sự thành công của việc thực hiện các mục tiêu chống biến đổi khí hậu.
Đối với Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung, hợp tác về năng lượng trong khuôn khổ ESCAP là một diễn đàn quan trọng để phối hợp chính sách, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi năng lượng nói riêng và cuộc chiến chống biến đối khí hậu nói chung. Việt Nam luôn sẵn sàng tăng cường hợp tác với các đối tác, tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này; hy vọng các cơ quan hữu quan của LHQ, đặc biệt là ESCAP có những định hướng và điều phối chính sách ưu tiên hợp lý, hỗ trợ hiệu quả các nước đang phát triển trong quá trình chuyển dịch năng lượng, đặc biệt là hỗ trợ về tài chính, nâng cao năng lực hoạch định chính sách và năng lực triển khai dự án cho các nước đang phát triển.
Kết thúc diễn đàn, các đại biểu thông qua Tuyên bố cấp bộ trưởng về “Xây dựng một tương lai năng lượng an toàn, bền vững và kết nối cho châu Á - Thái Bình Dương”. Tuyên bố này sẽ định hướng hợp tác giữa ESCAP và các quốc gia thành viên trong việc giải quyết những thách thức, hướng tới đảm bảo năng lượng bền vững ở khu vực.
Dự kiến, Diễn đàn Năng lượng châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 4 sẽ được tổ chức vào năm 2027./.