Tin tức

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành APF

Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) khai mạc chiều 22/1 tại thành phố Cần Thơ.
  Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chụp ảnh lưu niệm với đại biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN  

Đây là sự kiện quan trọng do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức, khẳng định vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ và APF.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc Hội nghị.

Tham dự phiên khai mạc có: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị; đại diện các cơ quan của Quốc hội, các ban, bộ, ngành liên quan và thành phố Cần Thơ.

Về phía APF có: Chủ tịch APF, Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Cameroon Hilarion Etong; nghị viện các nước thành viên Ban Chấp hành...

*Ủng hộ các giá trị và mục tiêu cao cả của Cộng đồng Pháp ngữ

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, nơi tập hợp các nghị sĩ nói tiếng Pháp với mục tiêu "thúc đẩy các Chính phủ tiến lên phía trước" đã trải qua hơn 50 năm thành lập và phát triển. Trong suốt quá trình này, Quốc hội Việt Nam đã luôn tham gia và có những đóng góp hết sức tích cực đối với hoạt động chung của APF, trong đó có việc giữ một số vị trí quan trọng trong Ban Chấp hành, thường xuyên đăng cai tổ chức các Hội nghị của APF.

Việc tham gia tích cực đối với các hoạt động của APF nói riêng và các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ khẳng định việc thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Việt Nam luôn chia sẻ, ủng hộ các giá trị và mục tiêu cao cả của Cộng đồng Pháp ngữ, đó là hòa bình, dân chủ và đa dạng văn hóa - ngôn ngữ, đoàn kết, hợp tác và phát triển. Đây cũng là những mục tiêu mà Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang nỗ lực thực hiện trong công cuộc đổi mới toàn diện hiện nay và đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Quốc hội Việt Nam, với chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, là người đại diện cao nhất của nhân dân. Quốc hội đang tích cực đổi mới các hoạt động theo hướng hiệu quả, thiết thực hơn trên tinh thần dân chủ và pháp quyền. Đến nay, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật đủ về số lượng, ngày càng nâng cao về chất lượng trên tất cả các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội. Trên kênh ngoại giao liên nghị viện, Quốc hội Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong các khuôn khổ hợp tác liên nghị viện khu vực và thế giới như: Liên minh Nghị viện Thế giới, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ, Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương, Hội đồng Liên nghị viện các nước Đông Nam Á và nhiều tổ chức liên nghị viện khác.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Việt Nam đánh giá cao vai trò của Liên minh Nghị viện Pháp ngữ - cơ quan tham vấn của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ - thông qua việc khởi xướng và triển khai các chương trình hợp tác liên nghị viện, thúc đẩy xây dựng Nhà nước pháp quyền và quyền con người, lan tỏa việc sử dụng tiếng Pháp, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa các thể chế nghị viện, với những đóng góp tích cực vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ các hoạt động ngoại giao nghị viện, nâng cao vị thế và tiếng nói của các nghị sĩ trong các vấn đề khu vực và quốc tế.

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp và khó lường, nhất là căng thẳng và xung đột địa chính trị, các thách thức toàn cầu chưa tìm được tiếng nói chung để giải quyết có hiệu quả, việc Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ thảo luận chính trị về "vai trò của Cộng đồng Pháp ngữ trước những biến động của trật tự thế giới" là nội dung rất thời sự và quan trọng.

Cùng với việc xem xét tình hình chính trị phức tạp tại một số quốc gia thành viên, thông qua Kế hoạch hành động triển khai Khung chiến lược giai đoạn 2023 - 2030 và những nội dung nghị sự quan trọng khác, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ và Cộng đồng Pháp ngữ sẽ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, cùng các thể chế đa phương khác, với nền tảng là luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, tạo khuôn khổ để thúc đẩy hợp tác, phối hợp hành động trong ứng phó với các thách thức chung trên toàn cầu.

Trong bối cảnh này, Tuyên bố Cần Thơ về Hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu được các đại biểu dự Diễn đàn trong hai ngày qua thống nhất thông qua là một đóng góp quan trọng của hợp tác Pháp ngữ. Chủ tịch Quốc hội trân trọng đề nghị Ban Chấp hành APF cân nhắc đệ trình của Phân ban Việt Nam, thông qua Tuyên bố Cần Thơ của Ban Chấp hành APF về chủ đề này; báo cáo lên Đại Hội đồng APF trong kỳ họp tới đây; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động hợp tác cụ thể về chủ đề này trong Cộng đồng Pháp ngữ.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ cũng như những tổ chức liên nghị viện khác sẽ là nơi các nghị sĩ tiếp tục thể hiện quan điểm, phản ánh nguyện vọng của nhân dân, cùng xây dựng và bảo vệ một thế giới đoàn kết, hòa bình, thúc đẩy hợp tác đa phương, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

*Củng cố thành tựu đạt được, duy trì tình đoàn kết

Phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch APF Hilarion Etong trân trọng cảm ơn sự chuẩn bị chu đáo, đón tiếp trọng thị, nồng hậu của Quốc hội Việt Nam dành cho các đại biểu; đánh giá cao những đóng góp của Phân ban Việt Nam tại APF; cho rằng, việc tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành APF tại Việt Nam cho thấy một thông điệp rất mạnh mẽ, Cộng đồng Pháp ngữ không chỉ giới hạn trong một phạm vi hẹp mà còn tiếp tục vươn xa, vươn cao hơn nữa để phát triền trên quy mô toàn cầu.

Hội nghị cũng gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng, việc thúc đẩy sử dụng tiếng Pháp cũng đồng thời là nỗ lực để bảo vệ các ngôn ngữ và đa dạng văn hóa khác nhằm làm phong phú các nền văn hóa trong Cộng đồng Pháp ngữ. Cam kết này cũng như lời kêu gọi đối thoại, đóng góp mạnh mẽ vào việc xây dựng xu hướng đa phương hòa bình và thúc đẩy nền dân chủ phù hợp với đặc thù của từng quốc gia. Ông Hilarion Etong hy vọng, Hội nghị sẽ thành công rực rỡ với những trao đổi phong phú và hiệu quả.

Hội nghị Ban Chấp hành APF diễn ra ngay sau Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó biến đổi khí hậu. Diễn đàn đã thông qua Tuyên bố Cần Thơ kêu gọi hợp tác quốc tế để giải quyết các thách thức về an ninh lương thực, biến đổi khí hậu. Bày tỏ sự ủng hộ sáng kiến của Việt Nam về việc trình Hội nghị Ban Chấp hành APF thông qua Tuyên bố này, Chủ tịch APF cho rằng, sáng kiến này cũng sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử của tổ chức.

Thông tin về một số hoạt động của APF gần đây, Chủ tịch APF khẳng định, sự cam kết bền bỉ và tình hữu nghị của Phân ban Việt Nam đã mang lại những giá trị rất lớn cho APF trong rất nhiều lĩnh vực hợp tác như: hợp tác Nam - Nam; trong sự ổn định chính trị; trong việc chia sẻ các thực hành kinh tế tốt, đổi mới công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như khuyến khích sự phát triển bao trùm và bền vững.

Theo Chủ tịch APF Hilarion Etong, năm 2025 là một năm đầy thử thách với nhiều cam kết cần triển khai. "Trong bối cảnh đó, chúng ta cần cùng nhau củng cố những thành tựu đã đạt được, khẳng định giá trị của mình, duy trì tình đoàn kết, đặc biệt là sự đóng góp của Cộng đồng Pháp ngữ, các nghị viện châu Á cần được khuyến khích hơn nữa khi khu vực châu Á - Thái Bình Dương có một số thành viên mới gia nhập vào tổ chức", Chủ tịch APF nhấn mạnh.

Sau khi diễn đàn kết thúc, Chủ tịch APF đề nghị tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và các nước châu Phi, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, công nghệ, đặc biệt thúc đẩy quan hệ hợp tác trong nông nghiệp.

Trong phát biểu chào mừng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình nêu rõ: Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ được tổ chức tại thành phố Cần Thơ là một cơ hội tốt để được thành phố giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng, vai trò trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long đến với Cộng đồng Pháp ngữ. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Cần Thơ kết nối với các đối tác mới, để cùng góp tiếng nói chung trong các diễn đàn mà các quốc gia và vùng lãnh thổ trong Cộng đồng Pháp ngữ luôn quan tâm, như vấn đề về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều dự án hợp tác với các đối tác trong Cộng đồng Pháp ngữ, tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục - đào tạo, văn hóa, đầu tư, thương mại, y tế, môi trường (ứng phó với biến đổi khí hậu)… Thành phố cũng là thành viên tích cực của Hiệp hội Quốc tế các Thị trưởng nói tiếng Pháp (AIMF) từ năm 2018. Nhiều quốc gia thành viên Cộng đồng Pháp ngữ là những đối tác, khách hàng, thị trường xuất khẩu lớn của Cần Thơ, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp như gạo, trái cây, thủy sản và các sản phẩm may mặc…

Bí thư Thành ủy Cần Thơ nhấn mạnh, Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ và Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ mở ra nhiều định hướng hợp tác mới, hiệu quả trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ; tin tưởng, "Tuyên bố Cần Thơ" sẽ là một văn kiện có ý nghĩa, được tham chiếu trong các hoạt động hợp tác, sản xuất kinh doanh, không chỉ trong Cộng đồng Pháp ngữ mà còn được mở rộng ra cho các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương khác./.

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Congo

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Congo

Trong khuôn khổ Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) và Diễn đàn Nghị viện hợp tác Pháp ngữ về nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu, chiều 22/1, tại thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tiếp Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Dân chủ Congo Vital Kamerhe.

Top