Tin tức

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ thăm chính thức Vương quốc Hà Lan

Nhận lời mời của Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Hà Lan Khadija Arib, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu sẽ thăm chính thức Vương quốc Hà Lan từ ngày 26-28/3/2018. 

Đây là lần đầu tiên, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Hà Lan. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, nhằm tiếp tục củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Hà Lan trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2018). Chuyến thăm ghi dấu mốc mới trong quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Hà Lan. 

Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9/4/1973. Từ những năm 90 thế kỷ 20, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, ngày càng đi vào chiều sâu. Sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước được đẩy mạnh thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác. Hiện nay, quan hệ Việt Nam-Hà Lan là điển hình của mối quan hệ năng động, hiệu quả giữa Việt Nam với một nước châu Âu. Những năm qua, Hà Lan coi Việt Nam là đối tác ưu tiên với nhiều chính sách thúc đẩy hợp tác. 

Hà Lan và Việt Nam là Đối tác chiến lược thích ứng với Biến đổi khí hậu-Quản lý nước và Nông nghiệp bền vững-an ninh lương thực. Các địa phương của Việt Nam gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp đã hợp tác với các địa phương của Hà Lan, tập trung vào lĩnh vực thích ứng, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu, các giải pháp đô thị xanh; cung cấp nước sạch; xử lý chất thải rắn, chuyển hóa chất thải thành năng lượng; quy hoạch chung, quy hoạch không gian; quản lý nguy cơ lũ lụt liên quan tới khu vực sông Hồng (bao gồm đê điều, sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp). Hai bên hợp tác về quy hoạch thành phố tổng thể, quản lý đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông và phương tiện giao thông công cộng, giao thông thông minh... 

Những năm qua, hai bên đẩy mạnh hợp tác thực chất, hiệu quả, trong đó ưu tiên một số lĩnh vực trọng điểm như thương mại-đầu tư, các lĩnh vực hợp tác đối tác chiến lược, dịch vụ hậu cần, cảng biển, dầu khí, đóng tàu; cam kết thúc đẩy sớm phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Hai bên đã xác định 5 lĩnh vực hợp tác ưu tiên: Thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý nước, nông nghiệp; năng lượng; kinh tế biển và dịch vụ vận tải logistics. 

Kim ngạch hai chiều Việt Nam-Hà Lan không ngừng phát triển và tăng đều hàng năm, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước tiếp tục đà tăng trưởng, Hà Lan hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam tại Liên minh châu Âu. Tính đến hết năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt hơn 7,77 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng thủy sản, rau quả, hạt điều, càphê, hạt tiêu, gạo, sản phẩm hóa chất, chất dẻo. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Hà Lan gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng, linh kiện ôtô, sữa và sản phẩm sữa, dược phẩm. 

Đầu tư của Hà Lan vào Việt Nam đứng thứ 11/126 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 8,17 tỷ USD, đứng thứ nhất trong Liên minh châu Âu đầu tư vào Việt Nam. Quy mô vốn bình quân một dự án của Hà Lan khoảng 27,1 triệu USD, cao gấp đôi so với mức bình quân của một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Một số dự án đầu tư đáng chú ý của Hà Lan tại Việt Nam gồm: Nhà máy điện Mông Dương; Nhà máy điện Phú Mỹ; Công ty Pepsico Việt Nam.../.

TTXVN/VNP

Những cây cầu bắc qua sông Cần Thơ - điểm nhấn đô thị miền sông nước

Những cây cầu bắc qua sông Cần Thơ - điểm nhấn đô thị miền sông nước

Những năm qua, thành phố Cần Thơ đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng. Đặc biệt, việc xây dựng hàng loạt cầu bắc qua sông Cần Thơ đã góp phần đảm bảo cảnh quan đô thị, tạo tiền đề phát triển kinh tế, đồng thời làm điểm nhấn cho thành phố về kiến trúc, văn hoá đô thị miền sông nước.

Top