Tin tức

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội Thế giới lần thứ 5

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu với tại phiên thảo luận chuyên đề ''Thúc đẩy hành động của Nghị viện đối với tình trạng khẩn cấp biến đổi khí hậu''. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN
Tối 19/8 theo giờ Hà Nội (19 giờ Hà Nội-14 giờ châu Âu) đã diễn ra Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội Thế giới lần thứ 5 năm 2020. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự từ điểm cầu Hà Nội.

Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tuyến do Liên minh nghị viện thế giới (IPU), Liên hợp quốc (UN) và Quốc hội Áo phối hợp tổ chức từ ngày 19 đến ngày 20 tháng 8 năm 2020.

Chủ đề tổng quát của Hội nghị lần này là: Sự lãnh đạo của Nghị viện để thực hiện chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hoà bình và phát triển bền vững cho người dân và thế giới.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn cùng Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng; Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch IPU Gabriela Cuevas Barron cho biết, Hội nghị được tổ chức 5 năm một lần. Năm nay hội nghị được tổ chức trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Mỗi khía cạnh cuộc sống đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để sử dụng tư duy sắc sảo để hướng tới một đích đến chung là phục hồi và tái thiết mạnh mẽ hơn, có được tương lai tươi đẹp hơn.

Bà Gabriela Cuevas Barron cho rằng, hiện nay cuộc khủng hoảng đang diễn ra ảnh hưởng tới đời sống của người dân và chúng ta đang chứng kiến đồng thời khủng hoảng về y tế biến thành khủng hoảng về kinh tế. Tất cả các quốc gia cũng đang có những kế hoạch hành động để bảo vệ nền kinh tế của mình, tất nhiên đi kèm những hệ lụy to lớn đối với tương lai của nền kinh tế. Dự báo kinh tế toàn cầu năm 2020 giảm 4,9% và dự báo năm 2021 tăng trưởng ở mức 5,4%. Theo Tổ chức Oxfam thì khoảng nửa tỉ người sẽ rơi vào cảnh đói nghèo do tác động của cuộc khủng hoảng và đằng sau những câu chuyện đó là rất nhiều người buộc phải rời bỏ nhà cửa, trở thành những người di cư. "Chúng ta cần phải lắng nghe mong muốn và theo sát họ từng bước trên con đường. Vì vậy Quốc hội cần thực hiện hiệu quả, biến những thỏa thuận quốc tế thành hiện thực. Đó là lý do tại sao chúng ta tập hợp ở đây hôm nay", bà Gabriela Cuevas Barron nhấn mạnh.

Chủ tịch IPU nhấn mạnh, với hơn 46 nghìn nghị sỹ trên thế giới, hội nghị lần này các nghị sỹ sẽ thực hiện trọng trách của mình, góp phần thay đổi tồn tại hiện nay. Những ý kiến đóng góp sẽ thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, xóa bỏ hận thù, là nền tảng cho tương lai. Theo bà Gabriela Cuevas Barron, Quốc hội chính là người bảo vệ quyền con người và cần phải tiếp tục đóng vai trò tiên phong dẫn tới thịnh vượng trong một xã hội bao trùm. Qua đó thúc đẩy các giải pháp hòa bình. Vì vậy đây chính là nội hàm của ngoại giao nghị viện, tìm ra nền tảng để thấu hiểu lẫn nhau. "Tất nhiên chúng ta không thể đồng thuận trong mọi vấn đề được nhưng chúng ta vẫn có thể hướng tới đồng thuận, cảm thông lẫn nhau và cùng nhau tìm kiếm giải pháp bây giờ hơn bao giờ hết", bà Gabriela Cuevas Barron nói.

Mới đây diễn ra lễ tưởng niệm 75 năm vụ đánh bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagashaki (Nhật Bản), một lần nữa chúng ta nhớ đến các cam kết chung phản đối vũ khí nguyên tử, phản đối khủng bố và hướng tới một thế giới mà người dân có thể sống một cách hòa bình. Đây chính là trách nhiệm của chúng ta, trách nhiệm giám sát để Chính phủ thực hiện cam kết hướng đến thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Những nỗ lực của chúng ta cũng là hướng tới thúc đẩy các Nghị viện đạt được nhiều kết quả hơn nữa về bình đẳng giới, cũng như trao quyền cho phụ nữ và trẻ em nhất là trong năm 2020 kỉ niệm 25 năm Cương lĩnh hành động Bắc Kinh…

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông António Guterres, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết ông rất hiểu vai trò của các nghị sĩ - những người đại diện cho nhân dân, tạo dựng Hiến chương Liên hợp quốc và Liên hợp quốc đã hưởng lợi rất nhiều từ các hoạt động của các nghị sỹ. "Các quý vị chính là đối tác của Liên hợp quốc để chuyển những tiếng nói của người dân trong nước, quốc tế và ngược lại", ông António Guterres nói.

Nhấn mạnh tình hình rất khẩn cấp của đại dịch COVID-19 hiện nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã nêu những quan ngại, đồng thời đưa ra những hành động và giải pháp.

Cụ thể, theo ông António Guterres, trong đại dịch COVID-19 chúng ta đang đối mặt với khủng hoảng chưa từng có, ở cả khía cạnh kinh tế, giáo dục của cả một thế hệ. Bắt đầu là cuộc khủng hoảng liên quan đến y tế - nhân đạo, liên quan đến dân chủ. Chúng ta đã có hơn 700.000 người thiệt mạng và con số này ngày một gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Liên hợp quốc đang rất nỗ lực trên mọi mặt trận để có thể kiểm soát virus gây ra đại dịch COVID-19 và giúp khôi phục nền kinh tế. Vật tư y tế đã được gửi đến hơn 100 quốc gia và Liên hợp quốc cũng đã kêu gọi các quốc gia ngừng bắn, ngừng chiến và ngừng đưa ra những thông tin sai lệch. Ngay từ đầu Liên hợp quốc cũng đã kêu gọi hỗ trợ cho các nhóm quốc gia, nhóm người dễ bị tổn thương, dễ bị ảnh hưởng. Những gói hỗ trợ, cứu trợ chiếm khoảng 10% GDP toàn cầu.

Ông António Guterres nêu rõ, chúng ta cần đoàn kết nhiều hơn với những quốc gia đang phát triển, những quốc gia chưa đủ nguồn lực để ứng phó hiệu quả với đại dịch. Chúng ta cũng đang hướng tới sớm có được vaccine chống COVID-19 với giá cả phải chăng mà mọi người có thể tiếp cận được. Chúng ta cần phải rút ra được bài học cho tương lai. Trước khi đại dịch xảy ra, nhiều quốc gia cũng đang phải đối mặt với các thách thức môi trường, sự bất bình đẳng, y tế công cộng không đầy đủ… Đại dịch này làm lộ rõ thêm những "lỗ hổng" và "mảng tối" trong xã hội. Do đó, chúng ta cần biến quá trình phục hồi trở thành cơ hội để chỉnh sửa những sai lầm trước đây, để giúp xây dựng thế giới tốt đẹp hơn.

Đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với thách thức từ biến đổi khí hậu. Mặc dù đã có tiến bộ trong việc nâng cao nhận thức về vấn đề này, nhưng thế giới đang phải đối mặt với 2 thực tế lớn: sự huỷ hoại do biến đổi khí hậu gây ra ngày càng gia tăng và các mục tiêu của Hiệp định Paris vẫn chưa đạt được trong bối cảnh đại dịch COVID-19… Chúng ta cần phải đạt được cắt giảm phát thải nhà kính 45% vào năm 2050.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng, khi đối phó với khủng hoảng thì chúng ta cần hướng tới lộ trình bền vững hơn; đồng thời đề nghị các quốc gia cần tính tới, xem xét 6 hành động tích cực. Thứ nhất, cần giúp cho xã hội kiên cường hơn, tạo ra những công ăn việc làm xanh; phát triển bền vững; trong quá trình phục hồi cần biến đổi những ngành công nghiệp phù hợp với thỏa thuận về biến đổi khí hậu; không được đưa vào những nhà máy điện chạy bằng than; trong những tháng tới khi các nhà đầu tư đưa ra những quyết định tài chính liên quan đến tương lai thì chúng ta cần phối hợp, hợp tác cùng với nhau…

Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, khi thế giới hồi phục khỏi COVID-19 thì đây cũng chính là thời điểm rất quan trọng đối với tương lai của thế giới, hướng tới phát triển bền vững. Những vấn đề ảnh hưởng tới tương lai như: bất bình đẳng trong mỗi quốc gia và giữa các quốc gia; bất bình về kỹ thuật số, về cơ hội số… Do vậy Tổng Thư ký Liên hợp quốc  kêu gọi cần có một khế ước xã hội mới với những chính sách mới, trong đó có bảo hiểm y tế toàn dân, giáo dục cần phải là công cụ giúp tạo ra cơ hội học tập suốt đời cho mọi người… Ở cấp độ quốc tế thì cần có những thoả thuận toàn cầu mới nhằm bảo đảm lợi ích của tăng trưởng toàn cầu được chia sẻ.

"Chúng ta cần phải dành tiếng nói mạnh hơn, có trọng lượng hơn cho những quốc gia đang phát triển và cần đưa ra luật pháp quốc gia phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững", Tổng Thư ký Liên hợp quốc nói.

Ông António Guterres bày tỏ kỳ vọng các Quốc hội cũng sẽ thúc đẩy bình đẳng giới, bởi hiện nay kể cả trong các Quốc hội chủ yếu vẫn là các nghị sĩ nam; đồng thời cho rằng, hiện nay chủ nghĩa đa phương có những thiếu hụt và thiếu sót riêng của mình. Do vậy, các chính phủ và các nhà khoa học cần hợp tác xuyên biên giới. Phương thức làm việc tốt nhất là hợp tác với nhau thông qua chủ nghĩa đa phương để giải quyết những vấn đề xuyên biên giới, mang tính toàn cầu. Tất cả những thể chế như IMF… cũng cần hợp tác chặt chẽ với nhau.

Ông António Guterres bày tỏ hy vọng rằng, tình người sẽ góp phần thay đổi những cách thức tương tác và làm việc. Hàng tỷ USD đã được huy động để cứu mạng sống của con người. Có rất nhiều giải pháp để cứu mạng sống của người dân trong bối cảnh hiện nay và quan hệ đối tác là nhân tố quan trọng nhất. Năm 2020 kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc và Liên hợp quốc đã hợp tác chặt chẽ với IPU để cùng nhau định hình tương lai; thỏa thuận tương lai của chúng ta.

Ông António Guterres hy vọng rằng, các nghị sĩ, Nghị viện/Quốc hội có thể thảo luận để có thể hiện thực hoá các mục tiêu chung, để có được một Liên hợp quốc mạnh như chúng ta hằng mong muốn.

Tiếp theo, bà Gabriela Cuevas Barron, Chủ tịch IPU đảm nhiệm vai trò chủ tọa, các đại biểu đã thảo luận tương tác về y tế, khí hậu và kinh tế; trình bày các báo cáo về Hiện thực hóa bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái: Thực tiễn và các cam kết của nghị viện; Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào chính trị và nghị viện: từ lời nói đến hành động. Thập kỷ  hành động để đạt được Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững

Tại phiên thảo luận: Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu.

Chia sẻ với những nội dung trình bày và các phát biểu của các chuyên gia và các Chủ tịch Quốc hội các nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình rằng, biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cấp bách hơn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19  đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên phạm vi toàn thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đặc biệt coi trọng và ủng hộ nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn đồng hành cùng Chính phủ trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; ưu tiên nguồn lực cho việc triển khai các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris. Tháng 5/2017, Quốc hội Việt Nam đã phối hợp với IPU đã tổ chức thành cộng Hội nghị chuyên đề về "Ứng phó với biến đổi khí hậu - Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững".

"Chúng tôi luôn mong muốn tăng cường hợp tác với các nước cũng như các tổ chức quốc tế nhằm đóng góp vào nỗ lực chung về ứng phó với biến đổi khí hậu", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Để thúc đẩy hơn nữa hành động của Nghị viện đối với tình trạng khẩn cấp do biến đổi khí hậu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đưa ra một số đề xuất tại phiên thảo luận.

Cụ thể, theo Chủ tịch Quốc hội, các Nghị viện cần tiếp tục hành động mạnh mẽ thông qua chức năng xây dựng pháp luật, phê chuẩn các văn kiện quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường phối hợp với IPU, xem xét thực hiện các khuyến nghị trong Chương trình hành động nghị viện về Biến đổi khí hậu của IPU phù hợp với trình độ và nhu cầu phát triển của mỗi quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần thúc đẩy ban hành chính sách đổi mới, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu các tác hại của biến đổi khí hậu, đồng thời ban hành các chính sách xã hội nhằm bảo vệ những người yếu thế trong đó có phụ nữ, trẻ em và các đối tượng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Đề xuất của Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến Nghị viện các nước tiếp tục phân bổ nguồn lực phù hợp, tăng cường giám sát, triển khai các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu.

Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các tổ chức quốc tế, các quốc gia phát triển tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển triển khai các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn còn tiếp diễn nghiêm trọng.

Kết thúc ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu tập trung thảo luận về: Dịch chuyển thể nhân để theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn. Các thách thức, cơ hội và giải pháp./.

TTXVN/VNP


Top