Tin tức

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điện đàm với Chủ tịch Quốc hội New Zealand

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điện đàm với Chủ tịch Quốc hội New Zealand Trevor Mallard.
Ảnh: Trọng Đức - TTXVN
Ngày 29/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã điện đàm với Chủ tịch Quốc hội New Zealand Trevor Mallard.

Cùng tham dự cuộc điện đàm tại Nhà Quốc hội có: Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng; Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthews.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn ngài Travor Mallard đã gửi thư mời thăm chính thức New Zealand. Cho biết hoạt động này chưa thu xếp được do đại dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội hy vọng sẽ sớm thu xếp được chuyến thăm.

Chủ tịch Quốc hội New Zealand Trevor Mallard cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian cho cuộc điện đàm; đồng thời chia sẻ những tình cảm tốt đẹp về Việt Nam kể từ khi ông còn trẻ tuổi.

Tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao việc Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng New Zealand đã đồng chủ trì Hội đàm cấp cao trực tuyến cách đây đúng 1 tuần, đặc biệt là việc hai nước tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - New Zealand (19/6/1975 - 19/6/2020); cho rằng việc nâng cấp quan hệ ngoại giao hai nước mở ra một chương mới, tạo khuôn khổ và xung lực mới đưa hợp tác song phương tiếp tục đi vào chiều sâu.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Trevor Mallard về ưu tiên của Việt Nam khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mong muốn hai nước tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư; đồng thời đánh giá, quan hệ giữa hai nước thời gian qua đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng hơn 3 lần trong thập kỷ qua. Trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thương mại hàng hóa giữa hai nước 6 tháng đầu năm 2020 vẫn đạt 500 triệu USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019 và nhiều triển vọng sẽ tăng cao trở lại trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng cảm ơn nguồn ODA của Chính phủ New Zealand những năm qua được sử dụng hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam ủng hộ hai Chính phủ hợp tác triển khai các cơ chế hợp tác Liên kết kinh tế khu vực; đề nghị hai bên phối hợp chặt chẽ cùng các thành viên APEC để tổ chức Hội nghị cấp cao năm nay dưới hình thức phù hợp; thúc đẩy các ưu tiên hợp tác trong đó có Lãnh đạo ra Tuyên bố Tầm nhìn APEC sau 2020.

Cho biết Việt Nam ủng hộ New Zealand tổ chức Năm APEC 2021 bằng hình thức trực tuyến, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với New Zealand trong năm 2021.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị New Zealand tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại kể cả trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Tại cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đánh giá, hợp tác quốc phòng - an ninh hai nước thời gian qua ngày càng thực chất. Hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. New Zealand là lựa chọn ưa thích ngày càng nhiều du học sinh Việt Nam. Việt Nam thu hút ngày càng nhiều du khách New Zealand và ngược lại.

Hai nước hợp tác ngày càng tin cậy, hiệu quả trên các vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, New Zealand chuẩn bị là Chủ tịch Năm APEC 2021 và hai nước cùng là thành viên tích cực của nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, RCEP…; có quan điểm và lợi ích tương đồng về sự ủng hộ đối với chủ nghĩa đa phương, trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật lệ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định chủ trương của ASEAN và Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không là lợi ích chung, trách nhiệm của tất cả các nước; đồng thời mong muốn New Zealand tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN và Việt Nam trong vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quốc hội New Zealand nhằm hiện thực hóa Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược, trong đó hai bên cam kết tăng cường trao đổi, tiếp xúc song phương kênh Quốc hội cũng như tăng cường hợp tác tại các diễn đàn nghị viện đa phương.

Năm 2020, với vai trò vai trò Chủ tịch Hội đồng liên Nghị viện các nước ASEAN (AIPA), Quốc hội Việt Nam đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị và sẵn sàng tổ chức các hoạt động hội nghị trong khuôn khổ hoạt động Năm Chủ tịch AIPA. Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 tại khu vực Đông Nam Á vẫn diễn biến phức tạp. Do đó, Quốc hội Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội đồng AIPA 41 bằng hình thức trực tuyến, dự kiến từ ngày 8-10/9/2020.

Quốc hội Việt Nam đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam- New Zealand. Quốc hội New Zealand cũng đã có Nhóm Nghị sĩ hữu nghị New Zealand-Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị hai bên tạo điều kiện để thúc đẩy các hoạt động giao lưu giữa hai Nhóm Nghị sĩ hữu nghị.

Nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, hai cơ quan lập pháp hai nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề xuất với Chủ tịch Quốc hội Trevor Mallard một số nội dung.

Cụ thể, hai bên tiếp tục tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn cấp cao, cấp ủy ban và cơ quan phục vụ Quốc hội; hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa các Ủy ban chuyên môn, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị hai nước nhằm chia sẻ thông tin và kinh nghiệm hoạt động nghị viện. Cùng với việc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị xem xét ký thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội nhằm thúc đẩy quan hệ nghị viện phát triển tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược hai nước; các chính sách pháp luật để hai bên thực hiện các cam kết trong khuôn khổ hợp tác CPTPP.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Quốc hội Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Quốc hội New Zealand tạo điều kiện về chính sách pháp luật, hỗ trợ hai Chính phủ triển khai thực hiện thành công các nội dung thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn nhận được sự ủng hộ Quốc hội New Zealand trong việc Tăng cường phối hợp ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện quốc tế, nhất là tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF), ASEP…;  trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội New Zealand Trevor Mallard cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chia sẻ bức tranh tổng thể về quan hệ hai nước. Ngài Trevor Mallard cho rằng, New Zealand và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng.

Cho biết hiện ở New Zealand có khoảng 3.000 du học sinh Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Trevor Mallard nhất trí với đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn New Zealand quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand sinh sống, làm ăn, đóng góp tích cực cho sự phát triển của New Zealand và là cầu nối cho tình hữu nghị giữa hai nước; hỗ trợ đào tạo ngôn ngữ tiếng Anh cho Việt Nam.

Ngài Trevor Mallard cho biết, New Zealand ủng hộ lập trường giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982).

Tại cuộc điện đàm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí với Chủ tịch Quốc hội Trevor Mallard đề xuất vào đầu năm 2021, hai bên sẽ tiếp tục tổ chức điện đàm trực tuyến về kết quả hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên mà hai bên đã đề ra./.

TTXVN/VNP

Những cây cầu bắc qua sông Cần Thơ - điểm nhấn đô thị miền sông nước

Những cây cầu bắc qua sông Cần Thơ - điểm nhấn đô thị miền sông nước

Những năm qua, thành phố Cần Thơ đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng. Đặc biệt, việc xây dựng hàng loạt cầu bắc qua sông Cần Thơ đã góp phần đảm bảo cảnh quan đô thị, tạo tiền đề phát triển kinh tế, đồng thời làm điểm nhấn cho thành phố về kiến trúc, văn hoá đô thị miền sông nước.

Top