Cùng tham dự có: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, một số Uỷ ban của Quốc hội, Bộ trưởng, lãnh đạo một số bộ, ngành hữu quan; Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre Lê Đức Thọ…
Theo báo cáo tại cuộc làm việc của tỉnh Bến Tre, để tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao mức sống của người dân, mở rộng không gian liên kết vùng, sớm đạt mục tiêu đưa Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực, đuổi kịp mức thu nhập bình quân của cả nước giai đoạn 2021-2025, Bến Tre đề xuất được tiếp cận vốn ODA để đầu tư phát triển tuyến động lực và hành lang kinh tế ven biển nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bến Tre đang định hướng phát triển khu kinh tế biển thuộc phạm vi 3 huyện ven biển. Tỉnh đề nghị cho phép triển khai thí điểm dự án lấn biển tại một số khu vực bờ biển của tỉnh nhằm vừa khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, vừa phòng chống sạt lở, tạo quỹ đất và không gian phát triển mới cho địa phương.
Tỉnh đã rà soát lại một số dự án cần thiết và kiến nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ, phân bổ nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để đầu tư 5 dự án trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Bến Tre đề nghị hỗ trợ cho dự án đường gom vào cầu Rạch Miễu 2; dự án đường từ cảng Giao Long đến Khu công nghiệp Phú Thuận, liên huyện Châu Thành-Bình Đại, tỉnh Bến Tre; dự án đầu tư xây dựng đường Bắc Nam phục vụ Khu công nghiệp Phú Thuận, Cụm công nghiệp Phong Nẫm và kết nối hạ tầng vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp, liên huyện Bình Đại-Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre và xây dựng cầu Ba Lai; dự án đầu tư nâng cấp, thảm bê tông nhựa mặt đường ĐH.173; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 57 đoạn Mỏ Cày đến Khâu Băng;….
Tỉnh Bến Tre cũng đề nghị hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền, các cấp trên địa bàn tỉnh, đồng thời xây dựng Bến Tre trở thành trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghệ số, tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số của tỉnh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hỗ trợ bảo tồn di tích cấp quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh; phê duyệt chủ trương thanh toán kinh phí thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo quyết định số 22/2013/QĐ-TTg.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan, lãnh đạo một số Uỷ ban của Quốc hội..., Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Bến Tre tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch mới, trong đó quản lý chặt chẽ, nếu thấy cần thiết thì điều chỉnh theo Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Giải thích một số điều của Luật Quy hoạch, để đáp ứng yêu cầu trước mắt, đồng thời tập trung nỗ lực cho việc lập quy hoạch cho giai đoạn 5 năm tới, nhất là quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, quy hoạch sử dụng đất. “Tất cả quy hoạch phải dài hơn và đi trước một bước. Bến Tre tập trung nỗ lực cho việc này”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Về công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, đề án, Chủ tịch Quốc hội cho rằng tỉnh cần tập trung cho công tác này, có thể mời thêm các nhà khoa học, tranh thủ thêm sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, các Uỷ ban của Quốc hội sẵn sàng tham gia để có những nghiên cứu bàn bản, có căn cứ khoa học, thực tiễn. Đánh giá các kiến nghị của tỉnh là cần thiết, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với dự án đường ven biển, tỉnh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, địa phương trong vùng.
Về phòng, chống sạt lở, tạo quỹ đất và không gian phát triển mới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tỉnh nghiên cứu nhu cầu này đối các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như các tỉnh duyên hải phía Đông, nên có sự liên kết vùng; trước mắt là dự án lấn biển, mở mang không gian phát triển trước. Căn cứ Nghị định số 11/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, tỉnh nghiên cứu xem có thể liên kết lập đề án cụ thể về lấn biển. Những gì áp dụng theo quy định hiện hành, những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có cơ chế thì tỉnh cần nghiên cứu, khai thác tối đa. Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
Bộ Chính trị đã thống nhất ban hành Nghị quyết về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thay Nghị quyết số 21.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tất cả nỗ lực đều nhằm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng với tư duy, quan điểm tầm nhìn phù hợp bối cảnh mới.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội ủng hộ đề xuất của tỉnh Bến Tre về việc sớm đầu tư đường gom dọc đường dẫn cầu Rạch Miễu 2, đề nghị tỉnh phối hợp với các Bộ rà soát các nguồn vốn, tham mưu Chính phủ, Quốc hội xem xét, quyết định việc bố trí vốn cho dự án.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, về nguyên tắc dự án nào đã có trong kế hoạch đầu tư công thì Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành liên quan phân bổ vốn, tổ chức triển khai giải ngân thi công. Các dự án còn lại thì tỉnh cần rà soát, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị sớm thực hiện đối với dự án nâng cấp, thảm bê tông nhựa mặt đường ĐH.173, bố trí nguồn từ vượt thu ngân sách hoặc từ nguồn dự phòng đầu tư công. Tỉnh Bến Tre phối hợp với tỉnh Vĩnh Long tiến hành chuẩn bị dự án xây dựng cầu Đình Khao theo hình thức đối tác công tư...
Với các kiến nghị, đề xuất khác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bến Tre phối hợp với các địa phương, bộ, ngành hữu quan để giải quyết hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các bộ, cơ quan hữu quan quan tâm, ủng hộ và kiến nghị cấp có thẩm quyền ủng hộ để thúc đẩy tỉnh Bến Tre phát triển, nhất là tiếp tục hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện tốt chính sách người có công với cách mạng.../.