Tin tức

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công

Tối 6/8, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (7/8/1912-7/8/2022).
Dự Lễ kỷ niệm có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Dự lễ còn có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Lễ kỷ niệm còn có sự có mặt của các vị khách quốc tế; các tướng lĩnh; các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhân dân Quảng Nam.
  Tối 6/8/2022, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng Nhà nước dự Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công (7/8/1912 – 7/8/2022), nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Ảnh: TTXVN  
  Chương trình nghệ thuật tại buổi lễ. Ảnh: TTXVN  

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh gửi lẵng hoa chúc mừng.

Thay mặt Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam, đồng chí Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy đọc diễn văn bày tỏ niềm tự hào về đồng chí Võ Chí Công - Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; người con ưu tú của quê hương Quảng Nam. Đây là dịp để chúng ta ôn lại, hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang và những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Chí Công đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc; thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao, cống hiến của đồng chí, giúp các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cộng sản trung kiên Võ Chí Công trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Võ Chí Công, tên khai sinh là Võ Toàn (bí danh Xuân, Năm Công), sinh ngày 7/8/1912 trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Khương Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ (nay là xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; người thanh niên Võ Toàn đã được giáo dục về tinh thần dân tộc và chịu ảnh hưởng của nhiều chí sĩ tiền bối của quê hương xứ Quảng như: cụ Phan Châu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp... mới 14 tuổi đã cùng cha tham gia các phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Châu Trinh, đòi dân sinh, dân chủ.
Tháng 5/1930, đồng chí Võ Chí Công bắt đầu tham gia cách mạng; đến tháng 5/1935, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và sau đó được cử làm Bí thư Chi bộ Mỹ Sơn – Chi bộ ghép tại phủ Tam Kỳ. Từ một Bí thư Chi bộ, với tài năng, trí tuệ và tinh thần nhiệt huyết cách mạng, đồng chí Võ Chí Công được cử làm Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ, rồi Bí thư lâm thời Tỉnh ủy Quảng Nam. 
 
Đồng chí đã thể hiện là một người chiến sĩ cách mạng kiên trung, gan dạ trong thời kỳ khôi phục và phát triển phong trào cách mạng ở Quảng Nam những năm 1939 - 1945. Giữa năm 1943, đồng chí Võ Chí Công bị địch bắt, giam tại phủ Tam Kỳ. Địch đã dùng cực hình tra tấn dã man nhưng không khuất phục được tinh thần, ý chí của người chiến sĩ cộng sản. Chính quyền thực dân đã kết án đồng chí khổ sai chung thân, sau giảm xuống 25 năm tù và đưa đi giam cầm ở Nhà lao Hội An, rồi chuyển lên Nhà đày Buôn Ma Thuột. Tại đây, đồng chí tham gia Ban lãnh đạo tù nhân của những người tù cộng sản, được tổ chức thành từng nhóm bí mật dưới tên gọi là "Lực lượng kiên trung". Sau khi Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), đồng chí được trả tự do và trở về tiếp tục hoạt động cách mạng.
Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Võ Chí Công đã cùng với các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ và Ban lãnh đạo khởi nghĩa tỉnh nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán trong lãnh đạo nhân dân Hội An chớp lấy thời cơ, khởi nghĩa sớm hơn kế hoạch; lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh nhất tề đứng lên, đập tan xiềng xích nô lệ, đưa Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất cả nước vào ngày 18/8/1945.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí được Đảng phân công phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Phú Yên, gây dựng cơ sở tại các tỉnh cực Nam Trung Bộ; phụ trách công tác quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang Liên khu V, lãnh đạo nhân dân Liên khu V kháng chiến; là Bí thư Ban cán sự khu Đông Bắc Campuchia, Khu ủy viên Khu V, làm nhiệm vụ quốc tế giúp hai nước bạn Lào và Campuchia. Từ năm 1952, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, đồng chí đã có nhiều quyết định kịp thời, đúng đắn để chỉ đạo xây dựng khối đại đoàn kết và phát huy được sức mạnh của toàn dân, từng bước đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, lập nên nhiều chiến công vang dội, chia lửa cùng chiến trường cả nước trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Võ Chí Công được Trung ương Đảng tin tưởng giao nhiều trọng trách của Đảng, Nhà nước. Đồng chí là linh hồn của phong trào cách mạng Liên khu V (bao gồm cả Nam Trung Bộ và Tây Nguyên). Suốt 21 năm kiên cường bám trụ, hoạt động, chiến đấu ở chiến trường ác liệt, đồng chí đã lãnh đạo quân và dân miền Nam, đặc biệt là ở Liên khu V chiến đấu không lùi bước, giữ gìn và phát triển lực lượng, đánh bại các chiến lược leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, từ "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ" đến "Việt Nam hóa chiến tranh"… Từ thực tiễn cách mạng, đồng chí đã đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề có tính chiến lược về con đường cách mạng miền Nam, đóng góp vào việc xây dựng Nghị quyết Trung ương 15 (năm 1959), mở ra bước ngoặt lớn cho cách mạng miền Nam.

Sau ngày hòa bình thống nhất, đồng chí Võ Chí Công được Đảng, Nhà nước điều động về Trung ương, giao giữ nhiều trọng trách. Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn trăn trở về con đường đi lên của cách mạng Việt Nam.

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, đồng chí cùng với các thành viên Ủy ban, Hội đồng Nhà nước tập hợp rộng rãi ý kiến của nhân dân, kiên trì đấu tranh với quan điểm sai trái, kiên định những nội dung cơ bản về dân chủ, pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hiến pháp sửa đổi năm 1992 - Hiến pháp của thời kỳ đổi mới đất nước được thông qua, có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Võ Chí Công.
Đối với quê hương Quảng Nam, đồng chí Võ Chí Công không chỉ là người lãnh đạo có nhiều cống hiến to lớn trong những bước ngoặt lịch sử của phong trào cách mạng mà đồng chí còn dành nhiều tình cảm, tâm huyết cho quê hương, để lại những di huấn quan trọng, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, trở thành nguồn động viên, cổ vũ lớn lao cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Những lời căn dặn, di huấn của đồng chí đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên để học tập, noi theo đồng chí Võ Chí Công.
Với những cống hiến to lớn ấy, đồng chí Võ Chí Công đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác./.

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN

Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030: Tạo không gian, động lực mới để xây dựng và phát triển

Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030: Tạo không gian, động lực mới để xây dựng và phát triển

Ngày 29/3, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 15, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghị quyết được thông qua sẽ tạo ra khung khổ pháp lý, tạo lập không gian phát triển, động lực và giá trị mới để xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng “Văn hiến, văn minh, hiện đại” nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Top