Tin tức

Chủ tịch nước dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc của Bộ Ngoại giao

Sáng 6/4, tại Hà Nội, Ban Cán sự Đảng Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương.
  Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN  
  Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN 
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI là một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong 10 năm qua. Phát huy vai trò tiên phong, ngoại giao cùng quốc phòng, an ninh và các lực lượng triển khai đồng bộ, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 8. Theo đó, quan hệ với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định, góp phần quan trọng vào việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước; góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; làm thất bại mọi âm mưu chống phá trong các lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo. Qua thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc đã thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; nâng tầm ngoại giao đa phương, tăng cường sự hiện diện tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Các trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân phối hợp ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao thành tựu của đối ngoại và ngoại giao, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó nổi bật là góp phần quan trọng củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi cho việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, đối ngoại và ngoại giao đã góp phần tạo những bước phát triển quan trọng trong các khuôn khổ quan hệ đối ngoại, nhất là với các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, các nước bạn bè truyền thống, từ đó tạo dựng mạng lưới quan hệ ngày càng rộng mở, đi vào chiều sâu, ổn định; giữ vững đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác. Các hoạt động đối ngoại và ngoại giao còn góp phần củng cố đại đoàn kết dân tộc, vận động kiều bào tham gia đóng góp vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; củng cố và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là tại các diễn đàn đa phương quan trọng; đồng thời, huy động nhiều nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch nước nêu rõ, tình hình quốc tế đang chuyển biến phức tạp, đặt ra những vấn đề mới cho công tác đối ngoại cũng như sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Do đó, Bộ Ngoại giao cần tiếp tục quán triệt, triển khai những định hướng của Nghị quyết Trung ương 8 và những định hướng lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết của Đại hội XIII và Nghị quyết 34-NQ/TW về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII, kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.

Chủ tịch nước đề nghị cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò tiên phong của đối ngoại trong bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy”, quán triệt sâu sắc chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về bản sắc ngoại giao “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đồng thời, tiếp tục giữ vững và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, các đối tác, củng cố và tăng cường tin cậy chính trị, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở giữ vững lập trường, nguyên tắc, ứng xử linh hoạt, sáng tạo, khôn khéo.

Chủ tịch nước chỉ đạo ngành ngoại giao cần đẩy mạnh ngoại giao kinh tế hiệu quả, thực chất, góp phần tăng cường tiềm lực đất nước; phát huy tối đa thế và lực mới của đất nước, nâng cao hơn nữa vị thế quốc gia. Ngành ngoại giao cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh và các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược để đáp ứng yêu cầu bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới; không ngừng tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức; bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên về bản lĩnh chính trị, trình độ năng lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền ngoại giao Việt Nam vững mạnh, chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại.

Cũng nhân dịp này, Bộ Ngoại giao đã tổ chức khen thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI)./.

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN


Top