Trong hơn một năm qua, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã chỉ đạo các cơ quan, tổ chức xây dựng, hoàn thành 27 chuyên đề nhánh, tổ chức thành công các hội thảo quốc gia, các tọa đàm chuyên sâu để phục vụ nghiên cứu, tổng hợp xây dựng Đề án bảo đảm toàn diện, thận trọng. Sau phiên họp thứ ba, Ban Chỉ đạo đã tổ chức ba hội nghị tại ba khu vực Bắc, Trung, Nam lấy ý kiến đóng góp của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; tổ chức 8 cuộc làm việc giữa Thường trực Ban Chỉ đạo với 9 cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương về dự thảo Đề án trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, cầu thị trao đổi, lắng nghe các nội dung quan trọng của Đề án. Thường trực Tổ Biên tập đã tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp để luận giải, làm sâu sắc hơn các lập luận, phương án về các vấn đề quan trọng, tiếp tục xin ý kiến Thường trực Ban Chỉ đạo, các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện dự thảo Đề án. Công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh, qua đó định hướng và thông tin kịp thời về chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo; về quá trình xây dựng Đề án nhằm góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và Nhân dân về các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về vấn đề này.
Tại buổi làm việc, ý kiến phát biểu của Ban Nội chính Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý đánh giá cao dự thảo Đề án được xây dựng công phu, bài bản, khoa học, góp ý về một số vấn đề quan trọng như mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; cơ chế phân cấp, phân quyền trong bộ máy nhà nước, đổi mới tổ chức và hoạt động của một số cơ quan, tổ chức; thống nhất nhận thức nội hàm một số khái niệm trong lĩnh vực tư pháp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của cơ quan điều tra, vấn đề bảo đảm, bảo vệ quyền con người… Nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết đóng góp cụ thể về cách thức diễn đạt, thể hiện; sắp xếp logic, khoa học những lập luận, giải trình làm rõ hơn các nội hàm, khái niệm, đồng thời gợi mở, đề xuất các phương án, giải pháp về một số nội dung của dự thảo Đề án còn có ý kiến khác nhau.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của Tổ Biên tập xây dựng Đề án, dự thảo Đề án cơ bản đạt được sự thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức liên quan. Chủ tịch nước nhấn mạnh đổi mới đỏi hòi phải có bước đi, lộ trình để phát triển bền vững đất nước và yêu cầu dự thảo Đề án phải phù hợp chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Chủ tịch nước lưu ý một số chế định trong dự thảo phải bảo đảm chặt chẽ về cơ sở pháp lý và cơ sở chính trị. Chủ tịch nước đề nghị Tổ biên tập, các chuyên gia rà soát, tham gia cụ thể hơn về văn phong, cách diễn đạt bảo đảm dễ hiểu, lập luận chặt chẽ, rõ ràng, tiếp tục gia công, bổ sung, hoàn thiện dự thảo Đề án bảo đảm chất lượng tốt, tiếp tục xin ý kiến các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo ở Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo./.