Đây là những nội dung được thảo luận tại tọa đàm về nhu cầu, thị hiếu, phổ biến quy định thị trường do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức ngày 6-8.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa, quy mô sản xuất nông nghiệp của Hà Nội đang trong tốp đầu cả nước. Tuy nhiên, một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản mới đáp ứng 20-70% (tùy sản phẩm) nhu cầu của hơn 10 triệu dân sinh sống, làm việc trên địa bàn. Lượng hàng hóa còn thiếu được bổ sung từ các tỉnh, thành phố và nước ngoài. Để bảo đảm nguồn cung, Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo phát triển sản xuất theo chuỗi (liên kết sản xuất, phân phối, tiêu thụ) nông sản an toàn, theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp sinh thái...
Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, nhiều sản phẩm vùng miền, sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của các tỉnh, thành phố được đưa đến các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng trái cây, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tại Hà Nội với số lượng lớn. Chẳng hạn, tỉnh Hòa Bình cung ứng hơn 1.600 tấn cá sông Đà, hơn 18.000 tấn trái cây/năm. Sơn La cung ứng hơn 19.000 tấn rau, củ, quả/năm. Hải Dương cung cấp hơn 30.000 tấn thủy sản/năm. Lâm Đồng cung cấp 7-10% sản lượng rau của tỉnh cho Hà Nội với hơn 66.000 tấn/năm…
100% chuỗi cung cấp thực phẩm từ các tỉnh, thành phố vào Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện…
Kết luận tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Lê Thanh Hòa nhận định, nhìn chung nguồn cung ứng cho thị trường Hà Nội dịp cuối năm như thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau… tương đối dồi dào. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần tăng cường phối hợp các tỉnh, thành phố trao đổi thông tin hai chiều về tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng.
Cũng tại tọa đàm, đại diện Bộ NN&PTNT phổ biến, cập nhật quy định về quản lý an toàn thực phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản; thông tin tình hình bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản sang các thị trường trọng điểm (Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…) và các khuyến nghị đối với người sản xuất, kinh doanh…/.