Tin tức

Chính phủ ban hành 2 biểu thuế ưu đãi thương mại đặc biệt với Hàn Quốc

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Chính phủ vừa ban hành 2 nghị định về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc và Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc giai đoạn 2018-2022. 

Nghị định số 149/2017/NĐ-CP quy định cụ thể suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc giai đoạn 2018-2022 (thuế suất VKFTA) và điều kiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định này. 

Nghị định nêu rõ hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất VKFTA phải đáp ứng đủ các điều kiện: thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; được nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam; được vận chuyển trực tiếp từ Hàn Quốc vào Việt Nam do Bộ Công Thương quy định; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc, có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu KV, theo quy định hiện hành của pháp luật.

Nghị định 157/2017/NĐ-CP quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc thuộc Hiệp định Khung về Hợp tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Hàn Quốc giai đoạn 2018-2022 và điều kiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Hiệp định này (thuế suất AKFTA).

Hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất AKFTA phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện: thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; được nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước là thành viên của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc, bao gồm các nước: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Việt Nam (hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước).

Thêm vào đó, hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất AKFTA phải được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu trên vào Việt Nam do Bộ Công Thương quy định; đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu AK, theo quy định hiện hành của pháp luật.

Hai nghị định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018./.

TTXVN/VNP

Một năm khởi sắc của du lịch Yên Bái

Một năm khởi sắc của du lịch Yên Bái

Năm 2024, tỉnh Yên Bái đón hơn 2,1 triệu lượt khách, doanh thu gần 1.800 tý đồng, đạt gần 120% kế hoạch năm. Yên Bái tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn bởi sự phát triển đa dạng các sản phẩm và loại hình du lịch, cùng nhiều chính sách kích cầu thị trường hiệu quả đã thu hút lượng du khách cao nhất từ trước đến nay, tạo mức tăng trưởng ấn tượng, đưa du lịch Yên Bái trở thành ngành kinh tế quan trọng, khẳng định vững chắc điểm đến hàng đầu của vùng Tây Bắc.

Top