Trong một tuyên bố, Chính phủ Ấn Độ cho biết những hạn chế mới này chủ yếu nhằm vào tàu mới đóng hoặc đã qua sử dụng, thực phẩm và nông sản, thiết bị điện và gỗ. Ngoài ra, Ấn Độ cũng siết chặt kiểm soát đối với hoạt động xuất khẩu máy công nghiệp, các phương tiện vận chuyển, sắt, thép và các kim loại khác.
New Delhi đã giảm hoạt động thương mại với Bình Nhưỡng, nhưng vẫn duy trì kênh tiếp xúc ngoại giao.
Ấn Độ có động thái trên sau khi Mỹ, nước đang đi đầu trong nỗ lực ngoại giao nhằm gây sức ép lên Triều Tiên, áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên sau khi cáo buộc Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hóa học.
Lệnh trừng phạt mới bao gồm việc cắt các khoản viện trợ cho Triều Tiên (trừ trường hợp nhân đạo khẩn cấp), chấm dứt mọi hoạt động bán vũ khí và từ chối mọi sự trợ giúp về tài chính hay tín dụng.
Trung Quốc muốn tái khởi động đàm phán 6 bên về hạt nhân Triều Tiên
Ngày 7/3, Trung Quốc đã bày tỏ hy vọng đàm phán 6 bên về vấn đề giải trừ hạt nhân của Triều Tiên sẽ sớm bắt đầu, sau khi bất ngờ xuất hiện các thỏa thuận liên Triều, trong đó có việc Bình Nhưỡng cam kết dừng tạm thời các vụ thử tên lửa và hạt nhân khi cuộc đối thoại diễn ra.
Phát biểu tại một buổi họp báo thường lệ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: "Việc sớm tái khởi động đàm phán 6 bên là ước muốn chung của cộng đồng quốc tế."
Ông Cảnh nói thêm: "Chúng tôi đồng ý và ủng hộ một loạt cuộc trao đổi và tương tác" giữa hai miền Triều Tiên kể từ Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang diễn ra tại Hàn Quốc; đồng thời nhấn mạnh "Trung Quốc hy vọng tất cả các bên có thể coi đây là một cơ hội và cùng làm việc vì mục tiêu giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên."
Hôm 6/3, các quan chức Hàn Quốc thông báo hai miền Triều Tiên đã nhất trí sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tại làng đình chiến Panmunjeom vào cuối tháng Tư tới, cùng với việc Bình Nhưỡng tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Mỹ về việc giải trừ hạt nhân và bình thường hóa quan hệ song phương./.
TTXVN/VNP