Tin tức

Cần triển khai mạnh mẽ, toàn diện “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ”

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Từ 16 giờ ngày 21/2 đến 16 giờ ngày 22/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 55.879 ca mắc mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 55.871 ca ghi nhận trong nước (tăng 9.010 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 39.728 ca trong cộng đồng). Hà Nội vẫn liên tục là địa phương có số ca mắc cao nhất cả nước với 6.860 ca.
Nhân viên y tế của Trạm y tế phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho người dân. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Trong ngày có 10.412 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh; nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 2.305.081 ca. Số bệnh nhân nặng hiện đang điều trị là 3.434 ca.

Số bệnh nhân tử vong là 77 ca; Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 80 ca/ngày.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.682 ca, chiếm 1,4% so với tổng số ca mắc.

* Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Bộ Y tế vừa có Công điện số 235/CĐ-BYT gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Trong đó, các địa phương triển khai mạnh mẽ, toàn diện “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” với các biện pháp truyền thông, tư vấn về phòng, chống dịch COVID-19; tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; xét nghiệm tầm soát phát hiện người mắc COVID-19; chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc COVID-19; hỗ trợ chăm sóc thể chất và tâm lý xã hội.

Các địa phương tiếp tục triển khai tiêm phòng COVID-19 “thần tốc hơn nữa”; đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn; tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.

Theo Công điện số 235/CĐ-BYT, đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến khó lường tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, với tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên toàn quốc, đến nay dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát, tuy nhiên trong thời gian gần đây số trường hợp mắc, kể cả số trường hợp tăng nặng và nguy kịch đang có xu hướng gia tăng.

Dự báo trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại và mùa lễ hội năm 2022, có thể tiếp tục ghi nhận chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số ca nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến nhóm đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền).

Các cơ sở y tế thực hiện điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu. Các bên liên quan cần thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; tổ chức thu dung, điều trị hiệu quả ở các tuyến; cung ứng và bảo đảm đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang bị phòng hộ..., đặc biệt là ô xy y tế tại các cơ sở điều trị. Các cơ sở cần tăng cường tổ chức cách ly, chăm sóc, điều trị tại nhà; công tác kết nối, hội chẩn, theo dõi, tư vấn điều trị từ xa; kịp thời chuyển tuyến, chuyển tầng điều trị; không để xảy ra tình trạng người mắc COVID-19 không liên hệ được với cơ sở y tế, không được quản lý, theo dõi y tế, cấp phát thuốc điều trị.

* Không bắt buộc tất cả học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường học trực tiếp

Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến 17 giờ ngày 22/2, cả nước có 78,86% học sinh đi học trực tiếp. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường khi tổ chức dạy, học trực tiếp, Bộ Y tế đã xây dựng, bổ sung một số nội dung hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học.

Theo đó, các cơ sở giáo dục không bắt buộc tất cả học sinh phải xét nghiệm trước khi trở lại trường để học trực tiếp, chỉ xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ (sốt, ho, khó thở …) hoặc có tiền sử tiếp xúc với F0.

Về việc tổ chức học bán trú của học sinh, Bộ Y tế nêu rõ: Nếu tổ chức cho trẻ học bán trú, nhà trường phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo, trong đó bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp; ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh lớp nào ăn, ngủ riêng theo lớp đó, không chung với các lớp khác.

Học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, rửa tay với nước sạch và xà phòng trước, sau khi ăn. Các cơ sở giáo dục thực hiện vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của nhà trường); bảo đảm an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Bộ Y tế đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào các nội dung hướng dẫn nêu trên để chỉnh sửa, bổ sung vào Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học và các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 khác của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang, sau hai tuần tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp (từ ngày 7/2), tình hình dịch COVID-19 trong trường học trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát. Trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát hiện, xử lý các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2 trong trường học, Sở đề xuất tổ chức tiêm mũi ba vaccine phòng COVID-19 cho tất cả học sinh các cấp học. Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang đề nghị ngành Y tế hỗ trợ dung dịch khử khuẩn, thuốc men, que xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2… cho các trường học để sử dụng khi cần thiết. Đặc biệt, ngành tổ chức tiêm mũi ba vaccine phòng COVID-19 cho tất cả học sinh; sớm có kế hoạch tổ chức tiêm cho các trường hợp chưa được tiêm để phụ huynh yên tâm hơn khi cho con em đến trường học trực tiếp./.

TTXVN/VNP


Top