Thị trường khách du lịch Đồng bằng sông Cửu Long là thị trường khách nội địa tiềm năng, chiến lược đối với Quảng Ninh, Ninh Bình và Bình Định. Điều này dựa trên sức hút của các loại hình du lịch sinh thái đối với khách du lịch miền Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, ba tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định là những địa phương có đặc điểm văn hóa, tự nhiên đặc sắc và hội tụ nhiều yếu tố để phát triển các loại hình du lịch độc đáo khác như du lịch di sản, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch biển đảo...
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ thông tin, trong 8 tháng năm 2022, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hút khoảng 30 triệu lượt khách tham quan, du lịch, với hơn 8 triệu lượt khách lưu trú. Doanh thu từ du lịch đạt hơn 21 nghìn tỷ đồng. Các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch nội vùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước đã phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc tạo dựng thương hiệu du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn với các loại hình du lịch tâm linh, sinh thái, MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị). Do đó, việc mở rộng kết nối và hợp tác với ba tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Định mang ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với các bên.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhấn mạnh, Hội nghị đã tạo cơ hội để các địa phương, nhà đầu tư, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, vướng mắc, chính sách thu hút, phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, các bên thiết lập quan hệ hợp tác, đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển du lịch. Các biên bản ký kết hợp tác trong Hội nghị là cam kết mạnh mẽ của các địa phương trong việc chung tay đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, chú trọng du lịch nội địa theo hướng du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm./.