Tin tức

Báo chí muốn phát triển, tất yếu phải chuyển đổi số


Quang cảnh Đại hội. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Một nội dung quan trọng được nhiều đại biểu tham dự Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam quan tâm, bàn thảo là định ra đường hướng cùng giải pháp quan trọng để báo chí Việt Nam bắt kịp với thời cuộc, chuyển đổi số để phụng sự hiệu quả nhất cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, phụng sự Tổ quốc và nhân dân. 

* Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập báo Thanh niên cho biết, cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021, Youtube công bố có 3,5 tỷ lượt người trên thế giới xem kênh Youtube của báo Thanh niên. Hiện nay, kênh Youtube của báo có hơn 4,2 triệu người đăng ký xem, doanh thu từ mà báo thu được từ vài chục triệu, vài trăm triệu còn hiện bây giờ là hàng tỷ đồng/tháng. Đây là một minh chứng cho sự thành công về chuyển đổi số trong báo chí.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn khẳng định: Bối cảnh hiện nay cho thấy, báo chí muốn phát triển, thay đổi phải là trên nền tảng số, chuyển đổi số. Nhưng để làm được, người đứng đầu cơ quan báo chí cần thay đổi về tư duy, cách làm, cần phải nhận thức, tư duy lại. Mô hình kinh doanh, chiến lược phát triển nội dung cũng phải xác định lại, phương thức phát triển công nghệ cũng phải phù hợp, bởi nếu lạc hậu là sẽ thua.

Bởi chuyển đổi số báo chí trước hết là phải đầu tư về công nghệ và đây không phải là cuộc chơi của "nhà nghèo", phải dám đầu tư thì mới phát triển được. Nội dung cũng cần chuyển đổi một cách quyết liệt, nên việc đầu tư về con người là quan trọng nhất, bởi con người biết làm công nghệ, biết phát triển nội dung, biết định hướng bạn đọc...

Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, từ làm báo truyền thống sang môi trường chuyển đổi số là cả một quá trình và báo Thanh niên phải bước đi từng bước. Cái gì lỗi thời, không hiệu quả phải điều chỉnh và thay đổi cách làm ngay. Ví dụ, làm truyền hình trên nền tảng số phải khác với cách làm ở một đài truyền hình. Hoặc như hiện nay, báo điện tử thanhnien.vn lọt top 5 tờ báo có lượng người xem nhiều nhất, có ngày có tới 20 triệu người truy cập, nhưng lãnh đạo báo vẫn thấy còn phải thay đổi nhiều, app công nghệ cũng phải thay đổi. “Một con tàu càng lớn, chuyển hướng đòi hỏi càng nhiều thời gian nên phải dứt khoát trong lựa chọn về tốc độ chuyển đổi, đó là sự quyết tâm cao của ban lãnh đạo...”, ông Nguyễn Ngọc Toàn nhấn mạnh.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn thừa nhận, chuyển đổi số với báo chí là con đường rất khó khăn, nhất là trong điều kiện các trang mạng xã hội đang tràn lan thông tin như hiện nay. Tuy nhiên, báo chí đổi mới, phát triển công nghệ để hòa nhập với thế giới, dù chuyển đổi đến đâu, báo chí cách mạng vẫn không được đánh mất bản chất, càng khó khăn, càng phải có bản lĩnh để đứng vững. Báo chí chính thống có sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Trong điều kiện các trang mạng xã hội đang tràn lan, hỗn loạn như hiện nay, sứ mệnh của người làm báo cách mạng là phải bảo vệ được bản sắc của tờ báo, bảo vệ Đảng, Nhà nước và đứng về phía nhân dân…

Cũng nói về chuyển đổi số trong báo chí, nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số báo chí là xu hướng tất yếu và cần thiết. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng không nằm ngoài dòng chảy ấy và cũng là sẽ là một trong những cơ quan báo chí mà đi đầu trong việc chuyển đổi số.

Ngoài nền tảng là các báo điện tử, Đài Tiếng nói Việt Nam còn tận dụng không gian số để đưa nội dung lên phục vụ công chúng như Facebook, Twitter. Tik tok. Bên cạnh đó, một số nền tảng chuyên dùng cho phát thanh (các chương trình podcast), một dạng thức phát thanh trên các nền tảng streaming đang ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều cơ quan báo chí triển khai. Đơn cử, chuyên trang đọc truyện đêm khuya Đài phát triển trên Youtube chỉ trong một thời gian ngắn đã đạt nút bạc, thu hút rất nhiều người theo dõi. Đối với đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên cũng cần được đào tạo, cập nhật kiến thức thường xuyên để quen với môi trường làm việc số, phải thích nghi được với kỹ năng sản xuất sản phẩm nội dung số để có thể đóng gói, phân phối trên nhiều nền tảng khác nhau…

Theo nhà báo Phạm Mạnh Hùng, báo chí Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn nhưng cũng rất nhiều thách thức. Cơ hội chính là chúng ta được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự tin cậy của công chúng, nhưng thách thức cũng rất nhiều. Đó là việc phải cạnh tranh trực tiếp, trực diện trên chính “sân nhà” bởi rất nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài, bởi mạng xã hội... Hoạt động kinh tế báo chí của phần lớn các cơ quan báo chí đều gặp khó khăn, thách thức đáp ứng các nhu cầu của công chúng đang thay đổi, quảng cáo của doanh nghiệp đang chuyển dần từ nền tảng truyền thống sang các nền tảng số... Trước những thách thức này, các cơ quan báo chí phải thích nghi với sự thay đổi rất nhanh chóng về công nghệ cũng như việc tiếp cận thông tin của công chúng… để khẳng định vai trò, vị thế ngày càng quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

* Báo chí phải lan tỏa năng lượng tích cực

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, chuyển đổi số đang là một vấn đề quan trọng của toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước, trong đó báo chí phải tiếp ứng ngay, đi đầu trong việc chuyển đổi số Việt Nam hiện nay.

Thời gian qua, các cơ quan báo chí nước ta đã có nhiều biện pháp để thích ứng với thời đại truyền thông kỹ thuật số. Trên báo điện tử, đã bắt đầu xuất hiện những dạng thức truyền thông mới, đó longforrm, megastory, infographic… Đây là những dạng thức truyền thông mới mà hiện nay các nhà báo sử dụng rất hiệu quả trên báo điện tử. Điều đó cho thấy, báo chí đã tìm thấy cách thức để tiếp tục phát triển trong thời đại truyền thông kỹ thuật số. Những tác phẩm báo chí có chất lượng và có độ tin cậy cao chính là sức sống của báo chí trong thời đại truyền thông trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội hiện nay.

Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, các cơ quan báo chí phải phát triển theo hướng xây dựng tòa soạn hội tụ và cơ quan báo chí đa phương tiện. Đây là một hướng phát triển không thể khác được của báo chí Việt Nam nói riêng, báo chí thế giới nói chung. Ở Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí đã đi theo hướng này và đã có kết quả bước đầu rất đáng khích lệ.

Ông Hồ Quang Lợi cũng lưu ý, các nhà báo cần nhanh chóng tiếp cận và sử dụng công nghệ truyền thông vào tác nghiệp báo chí, từ khâu lấy thông tin, dựng tin, bài cho đến việc lan tỏa trên các phương tiện. Bởi báo chí chỉ có thể đứng vững được, tồn tại trong thời đại truyền thông kỹ thuật số khi chúng ta nâng cao chất lượng nội dung của tin tức, chất lượng sản phẩm báo chí…

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã cho thấy những mặt trái của mạng xã hội, trong đó rõ nhất là nạn đưa tin giả chưa được kiểm chứng. Điều đó đã tạo ra hiệu ứng tuyên truyền rất xấu, song đây cũng là cơ hội để các tờ báo khẳng định vị trí, giá trị thông qua việc đưa ra bài viết phản biện với các ý kiến trung thực, chính xác, sâu sắc và kịp thời.

Nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, vào thời điểm hiện nay báo chí có vai trò xây đắp niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, đất nước; con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Nhà nước ta và nhân dân ta đang tiến hành; niềm tin vào những phẩm giá tốt đẹp, truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như tương lai tươi sáng mà chúng ta đang hướng tới. Báo chí phải có trách nhiệm lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội bằng những thông tin có độ tin cậy và sức thuyết phục cao, để từ đó toàn Đảng, toàn dân đoàn kết, phát huy nguồn lực để xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường.

Tuy nhiên, thực tiễn báo chí Việt Nam hiện nay cho thấy, các cơ quan báo chí đang gặp khó khăn về kinh tế báo chí. Nguồn thu của báo in đang ngày càng thu hẹp do số lượng phát hành giảm, quảng cáo trực tuyến trên báo điện tử cũng ngày càng hạn chế.

Thống kê gần đây cho thấy, thị phần quảng cáo trực tuyến của báo chí Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20%, còn khoảng 80% là rơi vào các nền tảng xuyên biên giới và mạng xã hội. Điều đó cho thấy nguồn thu của báo chí đang là một vấn đề khó khăn, thách thức, tác động không nhỏ đến việc duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan báo chí cũng như bảo đảm đời sống của cán bộ, phóng viên. Vấn đề này cần được nhìn nhận trên một cấp độ có tính chất tổng thể hơn, ở tầm quốc gia, để từ đó có cơ chế, chính sách, biện pháp giải quyết bền vững, giúp báo chí có đủ sức mạnh cạnh tranh với mạng xã hội, các phương tiện truyền thông khác trong thời đại truyền thông kỹ thuật số.

“Để xây dựng một nền báo chí ngày càng chuyên nghiệp và hiện đại, thì vấn đề công nghệ là vấn đề rất quan trọng. Dù phương thức, cách thức làm nghề có thể khác, nhưng đạo đức, lý tưởng làm nghề không thể khác. Các nhà báo, cơ quan báo chí phải làm nghề theo phương châm khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, báo chí phải vì lợi ích của cộng đồng, của đất nước và nhân dân. Đó là lý tưởng, tâm thế làm nghề của những người làm báo cách mạng Việt Nam”, ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh./.

TTXVN/VNP


Top