Tin tức

Bánh chưng Bà Lành

Hợp tác xã Bánh Chưng Bà Lành, làng Lỗ Khê, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội hàng ngày sản xuất ra hàng trăm ngàn chiếc bánh chưng phân phối khắp thị trường Hà Nội. Đặc biệt những chiếc bánh chưng vuông, dài mang thương hiệu Bà Lành đều là sản phẩm 3 sao OCOP của Hà Nội.
Sản phẩm bánh chưng của HTX Bánh chưng Bà Lành.

Bánh chưng truyền thống vốn là sản phẩm của làng nghề Lỗ Khê, Đông Anh, Hà Nội. Từ bao đời nay, người dân quê nơi đây đã gắn bó với đồng ruộng, với nông nghiệp. Với sự cần cù chăm chỉ, họ đã làm thêm nghề gói bánh chưng vừa là tận dụng được loại gạo nếp thơm trồng trên cánh đồng quê vừa là thêm việc lúc nông nhàn.

Chúng tôi đến thăm HTX Bánh chưng Bà Lành vào một ngày thu đẹp trời. Bà Nguyễn Thị Lành đã lớn lên ở mảnh đất quê Lỗ Khê và gắn bó với nghề làm bánh chưng từ bé. Bà Lành dù ở tuổi gần 80 nhưng vẫn khỏe mạnh và nhanh nhẹn, vẫn đảm đương việc gói bánh chưng hàng ngày, còn việc quản lý bà giao cho các con. Bà vừa giã đậu vừa chia sẻ với chúng tôi, gia đình bà đến nay là 3 thế hệ theo nghề làm bánh chưng, bà tần tảo sớm hôm nuôi các con học hành thành đạt cũng là từ công việc gói bánh chưng. Bà nói: “Bánh chưng chúng tôi làm ngon thế là có khách hàng, khách hàng tin tưởng và cùng lan tỏa thương hiệu bánh chưng Bà Lành đi khắp nơi. Tên tôi là Lành, có lẽ chiếc bánh chưng mình làm ra cũng ngon lành, thân thuộc như cái tên của mình vậy.”


Vốn là người năng động, yêu công việc nên từ hộ gia đình chỉ có vài người làm bánh, bà Lành đã thành lập HTX Bánh chưng Bà Lành để cùng phát triển thương hiệu bánh chưng của làng nghề. Cơ sở sản xuất của bà có khoảng 20 nhân viên, vào các ngày lễ tết HTX cũng tuyển thêm các lao động mùa vụ, cao điểm có lúc lên đến 50 -100 người.

Những người thợ thuần thục gói những chiếc bánh chưng tại HTX Bánh chưng Bà Lành.

Bánh chưng Bà Lành có 2 loại chính là: Bánh chưng vuông và bánh chưng dài. Công đoạn gồm nhiều bước như: rửa lá, phơi lá cho ráo, ngâm gạo, ngâm đỗ xanh, ướp thịt, gói bánh, luộc bánh… Tưởng như là đơn giản nhưng mỗi một công đoạn đều được người làm chuẩn bị tỉ mỉ. Lá dong được chọn là loại là to, xanh và còn tươi cuống. Gạo nếp làm bánh chưng là loại nếp cái hoa vàng hạt tròn to đều. Thịt lợn làm nhân bánh cũng là loại thịt ba chỉ tươi ngon ướp cùng gia vị hạt tiêu. Đậu xanh để làm nhân cũng được chọn loại đậu hạt to, tròn khi đồ lên nhân đậu vàng ươm.


Những người thợ đang miệt mài gói bánh chưng.
Bánh sau khi được gói xong sẽ cho vào nồi lớn để chuẩn bị luộc.

Các bà các chị với đôi bàn rám nắng nhưng thoăn thoắt ép bánh, buộc bánh, cái nào cũng đẹp và đều. Những chiếc bánh chưng khi luộc xong đượm mùi lá dong thơm man mác và chỉ cần để nguội một vài tiếng là bánh có thể phân phối ra thị trường đến với người tiêu dùng. Cao điểm trong những dịp Tết Nguyên đán, HTX Bánh chưng Bà lành có thể sản xuất từ 500 chiếc đến 1000 chiếc tùy theo đơn hàng. Năm 2020, sản phẩm bánh chưng vuông và dài của HTX Bánh chưng Bà Lành đã đạt 3 sao chương trình OCOP của Hà Nội. Niềm vui hơn là hiện nay nhiều cửa hàng thực phẩm do một số bạn trẻ Hà Nội kinh doanh về ẩm thực đã là nhà phân phối Bánh chưng Bà Lành. Từ đó đưa thương hiệu bánh chưng làng Lỗ Khê thân thuộc hơn với mọi người dân Việt Nam./.

Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người Việt Nam.

Hà Nội hiện nay có  1.350 làng nghề, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số đó có 318 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND Thành phố công nhận. Nhờ những lợi thế đó, Hà Nội có trên 11.000 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code, có 1.649 sản phẩm OCOP, chiếm 19% của cả nước (8.340 sản phẩm). Trong đó có 04 sản phẩm 5 sao; 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.

(*Bài có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội) 

Bài: Bích Vân   Ảnh: Thanh Giang


Top