Tin tức

Bắc Ninh được công nhận thêm 3 nhóm bảo vật quốc gia

Tỉnh Bắc Ninh vừa có thêm 3 nhóm bảo vật quốc gia được Thủ tướng Chính phủ công nhận, nâng tổng số nhóm bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh lên 8 nhóm. 

Các bảo vật quốc gia tỉnh Bắc Ninh được công nhận lần này gồm​ cột đá chùa Dạm được lưu giữ tại chùa Dạm, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh; Hệ thống tượng linh thú chùa Phật Tích, hiện được lưu giữ tại chùa Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du; Hệ thống tượng Tứ pháp vùng Dâu​-Luy Lâu, hiện được lưu giữ tại chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tướng, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành và chùa Dàn xã Trí Quả, huyện Thuận Thành. 

Cả 3 bảo vật được công nhận đều là những hiện vật gốc, độc bản có giá trị nghệ thuật, văn hóa cao. 

Tiêu biểu trong số các bảo vật này là cột đá chùa Dạm, có niên đại từ thế kỉ XI cùng thời gian xây dựng chùa, đến nay bảo vật còn tương đối nguyên vẹn. 

Cấu trúc cột đá được chia làm hai phần, phần cột và phần bệ. Đây được coi là một trong những hiện vật điêu khắc hoành tráng, hoàn mỹ nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Hiện nay, cột đá được đặt tại cấp nền thứ hai bên trái của chùa. 

Cột đá chùa Dạm được chế tác với hình thức độc đáo. Đôi rồng trang trí trên thân cột với những đường nét tinh xảo, sống động theo đồ án “lưỡng long hiến châu.”

Đây chính là điểm nhấn của tác phẩm điêu khắc này và cũng là nét đặc trưng mỹ thuật thời Lý. Toàn thân rồng có vẩy khép, uốn lượn nhịp nhàng, mềm mại. Chân rồng có 5 móng, cong và nhọn sắc như móng chim, chân trước dâng viên ngọc sáng. 

Ngoài đôi rồng, người thợ còn dùng những chi tiết hoa văn cúc dây để “trám” vào chỗ trống trên thân cột cho thêm phần hài hòa, sinh động. 

Bên cạnh đó, do cột đá chùa Dạm gắn liền với lịch sử hình thành và xây dựng ngôi chùa nên cột đá đóng vai trò rất lớn trong việc tìm hiểu quy mô, kiến trúc ngôi chùa này. 

Ngoài ra, hiện vật này còn bảo lưu nguyên vẹn đặc trưng mỹ thuật thời Lý nói chung, mỹ thuật Phật giáo thời Lý nói riêng. 

Do đó, việc nghiên cứu cột đá chùa Dạm sẽ giúp hiểu sâu sắc nghệ thuật Phật giáo thời Lý trong tiến trình lịch sử mỹ thuật Phật giáo Việt Nam. 

Trong số những bảo vật được công nhận lần này, hệ thống tượng linh thú chùa Phật Tích, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, du khách.

Bảo vật thứ ba vừa được công nhận là hệ thống tượng Tứ pháp vùng Dâu​-Luy Lâu. Các pho tượng gồm tượng Pháp Vân (chùa Dâu), Pháp Vũ (chùa Đậu), Pháp Lôi (chùa Tướng), Pháp Điện (chùa Dàn). Cả 4 pho tượng Tứ pháp đều được làm bằng chất liệu gỗ, có cùng khung niên đại với nhau, được tạo tác vào thế kỉ XVIII. 

Chỉ duy nhất vùng Dâu​-Luy Lâu mới có đầy đủ hệ thống tượng Tứ Pháp với 4 pho tượng nói trên. Nghiên cứu về những pho tượng trên sẽ thấy đặc trưng của văn hóa Phật giáo, là minh chứng chân xác quá trình du nhập và phát triển Phật giáo Việt Nam. 

Nghệ thuật tạo tượng vẫn bảo lưu đậm nét cách tạo hình của Phật giáo Ấn Độ nguyên thủy, kết hợp với đặc trưng văn hóa bản địa để tạo nên một sản phẩm nghệ thuật Phật giáo mang màu sắc Việt Nam./.

TTXVN/VNP

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương

Về Lại Đà - Nơi bình dị yêu thương!

“Tôi đã khóc, không chỉ là nỗi tiếc thương trước sự mất mát của đất nước, của dân tộc Việt Nam, mà còn là những giọt nước mắt hạnh phúc trước tình cảm sâu đậm của người dân thôn Lại Đà dành cho chúng tôi. Họ đã thay mặt người con ưu tú vừa nằm xuống đáp lại tình cảm của những người dân về đây dự lễ viếng”, chị Lương Ngọc Hà, dân tộc Tày, ở tỉnh Lào Cai rưng rưng cho biết.

Top