Tin tức

84,6% người dân Hà Nội từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19


Nhân viên y tế quận Hoàn Kiếm tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho người trên 18 tuổi tại điểm tiêm Cung Văn hoá lao động hữu nghị Việt-Xô. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Ngày 7/12, trình bày báo cáo tại Kỳ họp thứ ba, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, Hà Nội đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 diện rộng trên địa bàn thành phố với quy mô lớn nhất từ trước tới nay: Trung bình mỗi ngày trong chiến dịch tiêm được 420.000 - 550.000 mũi, ngày cao điểm nhất đã tiêm trên 600.000 mũi.

Đến nay, thành phố đã có gần 6,2 triệu người, tương ứng 94,2% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 (trong đó, tỷ lệ tiêm mũi 1 cho người trên 50 tuổi là 87,8%); trên 5,5 triệu người, tương ứng 84,6% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 2 (trong đó, tỷ lệ tiêm mũi 2 cho người trên 50 tuổi là 82,3%).

Công tác phòng, chống dịch được xác định là nhiệm vụ trọng tâm từ cấp thành phố đến cấp cơ sở, với phương châm người dân là chiến sĩ, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch.

Thành phố đã thành lập 4.573 tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng với 29.540 nhóm COVID-19 cộng đồng tham gia công tác phòng, chống dịch tại cơ sở.

Hà Nội cũng đã xây dựng phương án điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 tại các bệnh viện và cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, để có thể đáp ứng quy mô 50.000 giường bệnh; phê duyệt phương án đáp ứng ô xy y tế trong tình huống có 40.000 người bệnh. Thành phố triển khai mô hình trạm y tế lưu động (cơ sở thu dung, điều trị F0 tại cộng đồng) đến từng xã, phường, thị trấn, chuẩn bị sẵn sàng về nhân sự, trang thiết bị, thuốc, vật tư; ban hành hướng dẫn cách ly y tế đối với F1 và F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà, đáp ứng công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục củng cố và nâng cao năng lực của hệ thống y tế trên địa bàn, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở, sẵn sàng đáp ứng năng lực thu dung, điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Với việc huy động toàn bộ lực lượng y tế trong và ngoài công lập của Thủ đô, huy động sinh viên các trường cao đẳng, đại học cùng lực lượng hỗ trợ của 12 tỉnh phía Bắc, Hà Nội đã xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đạt gần 4,2 triệu mẫu.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt cùng sự ủng hộ tích cực của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề để thành phố triển khai kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Trong báo cáo của UBND thành phố về công tác phòng, chống dịch COVID-19 cũng nêu rõ một số tồn tại, hạn chế như: Sự hiểu biết về tác nhân gây bệnh, phương thức lây truyền của dịch bệnh còn hạn chế, dẫn tới tình trạng khó khăn trong việc nhận định, đánh giá, đưa ra các quyết định áp dụng biện pháp phòng, chống dịch; còn có tình trạng lơ là, buông lỏng các biện pháp kiểm soát dịch ở một số nơi, tâm lý chủ quan của một số bộ phận cơ quan, đơn vị, người dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là khi đã được tiêm vaccine phòng COVID-19…

Trước bối cảnh dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp và khó lường, trong khi đó Hà Nội là đầu mối giao thương đi lại của cả nước và quốc tế, là nơi có mật độ dân số cao, nơi tập trung của nhiều trường đại học, cao đẳng, bệnh viện (đặc biệt là các bệnh viện tuyến cuối của Trung ương)..., do đó nguy cơ và rủi ro đối với dịch bệnh luôn ở mức rất cao.

Hà Nội đã chủ động, khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh với mục tiêu trên hết, trước hết là sức khỏe, an toàn của nhân dân, đồng thời luôn duy trì, không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng. Thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 ”; cập nhật các thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố cũng như cả nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, khu dân cư, người dân, nhất là người về từ vùng dịch thực hiện nghiêm quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, tránh để lây lan ra cộng đồng. Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch bệnh đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc “4 tại chỗ ”, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; tổ chức hướng dẫn các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện công tác y tế phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng các quy định của Trung ương và thành phố./.

TTXVN/VNP


Top