Tin tức

30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN: Khẳng định vị thế ngày càng mang tính dẫn dắt

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (28/7/1995 – 28/7/2025), Giáo sư Chu Hoàng Long, Đại học Quốc gia Australia (ANU) – đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Australia, chia sẻ những đánh giá sâu sắc về vai trò và đóng góp của Việt Nam trong ASEAN suốt ba thập kỷ qua.
  Giáo sư Chu Hoàng Long – làm việc tại trường Đại học Quốc gia Australia (ANU). Ảnh: TTXVN phát  

Theo Giáo sư Chu Hoàng Long, trong 30 năm đồng hành cùng ASEAN, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng, nổi bật ở bốn điểm:

Thứ nhất, Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy mở rộng thành viên của ASEAN, đặc biệt là quá trình kết nạp Campuchia, Lào và Myanmar. Điều này giúp ASEAN hoàn thiện cấu trúc “một Đông Nam Á” toàn diện, thay vì là một khối khu vực rời rạc, đồng thời tăng cường đoàn kết nội khối trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt.

Thứ hai, Việt Nam là nhân tố chủ đạo thúc đẩy đường lối hợp tác của ASEAN dựa trên tinh thần tự cường, tôn trọng lợi ích chung và đề cao luật pháp quốc tế. Những nguyên tắc này cũng thể hiện rõ trong triết lý ngoại giao Việt Nam và đã được lồng ghép vào Hiến chương ASEAN. 

Thứ ba, Việt Nam là một trong những động lực kinh tế quan trọng nhất của ASEAN. Với tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, Việt Nam góp phần nâng tầm vị thế kinh tế của cả hiệp hội trên bản đồ thế giới. 

Thứ tư, Việt Nam đã nhiều lần đảm nhiệm thành công vai trò điều phối và dẫn dắt hoạt động ASEAN trong các thời điểm khó khăn. Các dấu ấn đáng kể bao gồm năm 1998 – thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á – và năm 2020, khi đại dịch COVID-19 lan rộng, Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN, điều phối hiệu quả quan hệ của hiệp hội với các đối tác lớn như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc,  Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Giáo sư Chu Hoàng Long nhấn mạnh, việc gia nhập ASEAN là bước ngoặt chiến lược trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội phát triển cả về kinh tế lẫn thể chế.

Thứ nhất, Việt Nam mở rộng đáng kể thị trường xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư. Việc tham gia vào Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) và các hiệp định thương mại giữa ASEAN với các đối tác lớn đã giúp Việt Nam tiếp cận thị trường ngày càng mở rộng – từ khoảng 500 triệu dân năm 1995 lên gần 700 triệu dân hiện nay.

Thứ hai, ASEAN tạo động lực cải cách thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cam kết hội nhập đòi hỏi Việt Nam liên tục cải thiện môi trường pháp lý, kinh doanh và quản trị, qua đó giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và năng suất lao động.

Thứ ba, ASEAN hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển nguồn nhân lực, công nghệ và hạ tầng. Việt Nam đã tận dụng hiệu quả các chương trình hợp tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ phát triển của ASEAN để nâng cao chất lượng phát triển nội tại.

Trong bối cảnh thế giới biến động phức tạp, Giáo sư Chu Hoàng Long đánh giá Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò trung tâm trong ASEAN, cả ở cấp độ chiến lược lẫn định hướng phát triển dài hạn.

Việt Nam đang tham gia tích cực vào quá trình xây dựng “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045”, một chiến lược phát triển bền vững, gắn kết an ninh và thúc đẩy kết nối. Đáng chú ý, mốc 2045 cũng trùng với thời điểm Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao – tạo sự đồng thuận chiến lược giữa định hướng phát triển quốc gia và khu vực.

Với vị trí địa lý chiến lược gần các trung tâm kinh tế lớn, Việt Nam cũng nổi lên như một “nút” kết nối quan trọng giữa ASEAN và các đối tác hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các nỗ lực đàm phán thương mại, đặc biệt từ phía Mỹ, cho thấy Việt Nam đang được xem là đối tác ưu tiên trong chiến lược kinh tế – địa chính trị toàn cầu.

Theo Giáo sư Long, nhờ chính sách đối ngoại độc lập, cân bằng và thân thiện, Việt Nam có thể đóng vai trò trung gian giữa các bên, điều phối bất đồng trong và ngoài ASEAN. Hình ảnh một quốc gia “cầu nối” đã từng được thể hiện rõ qua việc Việt Nam tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều năm 2019 và hoàn toàn có thể tiếp tục phát huy trong tương lai.

Giáo sư Chu Hoàng Long nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc ngày càng phức tạp, ưu tiên hàng đầu của ASEAN hiện nay là duy trì sự đoàn kết nội khối và thống nhất tầm nhìn phát triển.

Trước các vấn đề nhạy cảm như Biển Đông, an ninh biển, hay cạnh tranh công nghệ – kinh tế giữa các nước lớn, ASEAN cần giữ vững tiếng nói chung. Trong vai trò là một thành viên chủ chốt, Việt Nam có thể đóng góp vào quá trình xây dựng lòng tin và thúc đẩy đối thoại giữa các nước thành viên cũng như với các đối tác bên ngoài.

Ngoài ra, ASEAN cần tăng cường năng lực thể chế để ứng phó hiệu quả với các thách thức xuyên quốc gia. Việt Nam có thể đóng góp tích cực bằng việc đề xuất và triển khai các sáng kiến cụ thể trong những lĩnh vực thế mạnh như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển xanh.

Mặt khác, việc làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đối tác chiến lược – với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc và Ấn Độ – sẽ là động lực quan trọng để ASEAN tăng cường vai trò trong cấu trúc khu vực và toàn cầu. Với chính sách đối ngoại thực chất và mạng lưới quan hệ chiến lược rộng khắp, Việt Nam có thể tiếp tục giữ vai trò là “người kết nối” hiệu quả, thúc đẩy lợi ích hài hòa giữa ASEAN và các đối tác bên ngoài.

Hướng tới năm 2045 – cột mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước – Giáo sư Chu Hoàng Long tin tưởng rằng Việt Nam có đủ nền tảng và năng lực để trở thành quốc gia trụ cột của ASEAN, đóng vai trò dẫn dắt trong các lĩnh vực chiến lược.

Về tư duy chính sách, Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong định hình các định hướng lớn của khối: từ chính trị – ngoại giao, kinh tế – xã hội, đến hội nhập cộng đồng. Thực tiễn đã chứng minh điều này qua các kỳ Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, cùng nhiều sáng kiến thiết thực như phục hồi sau COVID-19, chuyển đổi số và hợp tác phát triển bền vững.

Về vị thế kinh tế, với đà tăng trưởng vững chắc, hội nhập quốc tế sâu rộng và nền tảng cải cách toàn diện, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu khu vực, đóng góp tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu và tăng trưởng chung của ASEAN.

Cuối cùng, Việt Nam sẽ tiếp tục là một đối tác tin cậy và có trách nhiệm, góp phần củng cố đoàn kết nội khối, giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như kết nối hiệu quả với các cường quốc toàn cầu./.

Báo ảnh Việt Nam/TTXVN


Top