EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu nông sản có tốc độ phát triển mạnh sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. Ngành nông nghiệp Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ EVFTA. Các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam vào EU là thủy sản, gạo, các sản phẩm trồng trọt, rau quả đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi ngay sau khi EVFTA có hiệu lực. Các lợi ích từ xuất xứ, Bảo hộ chỉ dẫn địa lý giúp cho các sản phẩm nông thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu sang Đức/EU có cơ hội gia tăng thương hiệu và giá trị sản phẩm.
Theo bà Đỗ Việt Hà, gạo vốn không phải là mặt hàng chủ chốt xuất sang EU nhưng có kim ngạch xuất khẩu tăng đều trong những năm gần đây. Điều này cho thấy EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng tận dụng tối đa lượng gạo xuất khẩu theo hạn ngạch thuế quan để hưởng mức thuế 0% mà EU dành cho Việt Nam. Cụ thể, năm qua, xuất khẩu gạo sang thị trường EU tăng mạnh, đạt 94.510 tấn gạo và vượt hạn ngạch 80.000 tấn gạo hằng năm mà EU dành cho Việt Nam theo cam kết từ hiệp định EVFTA. Trong đó, xuất khẩu gạo sang một số thị trường thuộc EU tăng mạnh, như Hà Lan tăng 44%, Ba Lan tăng 68%, Tây Ban Nha tăng 89%, Bỉ tăng 149%... Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam vào thị trường EU trong năm qua có thể kể đến như Công ty TNHH XNK Đại Dương Xanh, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Thương mại Dịch vụ Gạo Thịnh, Công ty CP Chế biến và Xuất khẩu lương thực Đồng Xanh, Công ty TNHH Thành Phát...
Về lợi ích của hiệp định cho chính các nước EU, bà Đỗ Việt Hà nhận định EVFTA là một trong những FTA mà Việt Nam có cam kết cắt giảm thuế tương đối mạnh, qua đó giảm giá thành sản phẩm, bù đắp được các chi phí vận chuyển cao từ các nước này sang Việt Nam, có lợi thế cạnh tranh so với nhiều hàng hóa từ các đối thủ khác. Các nhóm sản phẩm của Đức/EU có nhiều lợi thế từ cắt giảm thuế quan theo EVFTA là: xe cộ, máy móc thiết bị điện, các sản phẩm nhựa, sắt thép, nhiên liệu dầu khoáng, thịt động vật và gia cầm, xúc xích, sữa và các sản phẩm từ sữa.
Ngoài ra, Việt Nam có nhiều cam kết liên quan đến cải cách hải quan và thuận lợi hóa thương mại, áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, các biện pháp kỹ thuật đối với thương mại, phòng vệ thương mại... tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn của EVFTA. Các cam kết này giúp hàng hóa EU tiếp cận thị trường Việt Nam dễ dàng hơn.
Bên cạnh những thuận lợi, bà Đỗ Việt Hà cũng nêu bật những khó khăn của hàng hóa Việt Nam khi thâm nhập thị trường EU bao gồm thách thức trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan, nguy cơ gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại. Để vượt qua những khó khăn đó và phát huy tối đa lợi ích từ EVFTA, bà Đỗ Việt Hà cho rằng doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về hướng dẫn của hiệp định, các tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu sang thị trường EU; nghiên cứu kỹ thị trường EU, thị hiếu và nhu cầu tiêu dùng của người dân để cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm; tìm hiểu các cơ chế, cách thức tiếp cận các kênh/nhà phân phối hàng hóa tại EU, đặc biệt là các kênh thương mại điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến; không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng trên trường quốc tế về các yếu tố: nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm, mô hình kinh doanh, đầu tư vào công nghệ và minh bạch thông tin.
Cũng theo bà Đỗ Việt Hà, chính phủ cần xây dựng chiến lược tổng thể để đưa ra những định hướng, kế hoạch, lộ trình cho các bộ, ngành và địa phương nhằm triển khai đầy đủ, kịp thời các cam kết của EVFTA; xây dựng những cơ chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ những ngành hàng chịu sức ép cạnh tranh lớn khi thực thi hiệp định; xây dựng những chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài từ EU vào Việt Nam.
Về phần mình, Thương vụ cần thường xuyên phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước… tổ chức các phiên tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam; hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa sang EU; hỗ trợ xác minh năng lực kinh doanh, tình hình tài chính… của các doanh nghiệp EU mà doanh nghiệp Việt Nam đang có kế hoạch hợp tác, kinh doanh nhằm giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp Việt Nam khi ký kết hợp đồng thương mại; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp tham dự các hội chợ ngành hàng quốc tế lớn để tìm kiếm đối tác./.